Suốt những ngày vừa qua, "hết xăng giữa đường" bỗng dưng "soán ngôi" trong danh sách... "những điều đáng lo nhất" khi ở TP.HCM. Trước đó, trong danh sách ấy là: tình trạng cướp giật, kẹt xe, ngập nước... Nhưng ở thời điểm này, "hết xăng giữa đường" mới khiến mọi người cảm thấy sợ hãi.
Xe cạn xăng, có nguy cơ hết xăng giữa đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người trẻ |
X.P |
Van nài, năn nỉ nhờ... "cứu xăng"
Phan Sơn (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết nhà ở đường Kinh Dương Vương (Q.6). Từ nhà đến trường hơn 8km. Suốt đoạn đường dài chỉ có một cây xăng duy nhất ở đường Bình Long (Q.Bình Tân). Nhưng trong 3 ngày vừa qua, "cây xăng quen thuộc" cũng... đóng cửa im ỉm. Chính vì thế, Sơn cho biết "vừa chạy xe vừa... cầu nguyện, sợ xe... hết xăng giữa đường" thì không biết phải làm sao.
Không riêng Sơn, mà nhiều người trẻ cũng thất thần trước tình trạng xăng dầu thiếu ở khắp nơi tại TP.HCM, các cửa hàng khác ngoài hệ thống Petrolimex hết hàng, việc được đổ xăng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Để rồi khi lưu thông, ai nấy đều chỉ mong "đi đến nơi về đến chốn" mà không phải... dẫn bộ vì xe hết xăng giữa đường.
Xem nhanh 20h: Mua xăng sao khó như hàng hiệu | Triều cường tràn vào bệnh viện |
"Xe hư có thể tìm được tiệm để sửa. Đói có thể tìm được chỗ ăn. Bệnh có thể tìm nơi để chữa. Nhưng xe hết xăng giữa đường thì... khốn khổ vô cùng vì chưa chắc sẽ tìm ra cây xăng để đổ", Huỳnh Thị Thùy Duyên (SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nói. Thế nên cô gái này cho biết trong những nỗi lo sợ khi sống ở thành phố đông dân nhất Việt Nam này, thì việc lỡ... hết xăng giữa đường đang trở thành nỗi lo sợ thường trực.
Một người lên mạng van nài xin sự trợ giúp vì xe hết xăng giữa đường |
CHỤP MÀN HÌNH |
Thực tế, có những người đã rơi vào tình cảnh khóc dở mếu dở chỉ vì hết xăng dở đường. Họ phải... đăng Facebook cầu cứu bạn bè, người thân, hoặc mong bất kỳ người lạ nào vô tình thấy được "trạng thái năn nỉ" với nội dung "xin ít xăng" hãy giúp đỡ.
Như sáng ngày 11.10, Lê Ngọc (27 tuổi, ở TP.Thủ Đức) đã "van nài" lên một nhóm trên Facebook: "Do sơ suất không để ý xăng, em bị hết giữa đường. Ngay đầu chợ Thủ Đức. Bạn nào tiện đường cho em xin ít xăng"...
Tối 11.10, Nguyễn Đại Dương (33 tuổi, ở H.Bình Chánh) cũng "kêu cứu" trên trang cá nhân Facebook: "Có ai đi ngang đoạn ngã tư Gò Mây, ngay chỗ Nhà thờ giáo xứ Gò Mây, cho em xin một ít xăng với ạ!". Trạng thái này cùng biểu tượng buồn khiến người xem không khỏi thương cảm.
Dương cho biết: "Nếu như thời điểm này năm ngoái, hay hỏi thăm nhau là "đã tiêm vắc xin chưa?", thì năm nay lại hỏi han "đã đổ xăng chưa?" Và sau hơn 12 năm sống ở TP.HCM, với những nỗi lo sợ về trộm cắp, cướp giật, kẹt xe, ngập nước, thì giờ đây chỉ lo sợ... hết xăng giữa đường".
Xăng đầy bình sẽ giúp người trẻ tự tin hơn khi lưu thông trên đường |
X.P |
Điều ước giản đơn
Cũng chính vì nỗi lo sợ ấy, mà Dương nói: "Chỉ ước sao tình trạng khan hiếm xăng không còn nữa. Mong các cây xăng hoạt động bình thường, việc mua bán trở về như cũ. Để qua đó, bất kỳ ai cũng có thể đổ xăng đầy bình như trước, không phải đợi chờ lâu, bị hạn chế đổ xăng nhiều như hiện tại. Để có lỡ hết xăng giữa đường cũng không quá lo. Vì khi đó chỉ cần dắt bộ một đoạn là có cây xăng. Còn bây giờ, dắt bộ cả vài km cũng không tìm thấy cây xăng nào hoạt động. Nếu có cũng tốn cả... hàng tiếng đồng hồ để đợi chờ. Mà có khi đợi chờ cũng vô vọng".
Tài xế xe công nghiệp Nguyễn Tấn Được (31 tuổi, trọ ở số 113/33 đường số 8. P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) kể lại, vào ngày 9.10, khi chở khách từ Q.5 về TP.Thủ Đức thì xe... hết xăng giữa đường. Được rơi vào cảnh vừa "méo mặt" vì đang ở đường Xa lộ Hà Nội, không biết phải làm sao, vừa bị khách "chửi sấp mặt". "Trước tình thế đó, tôi phải chấp nhận việc không lấy tiền cước để không bị chửi té tát nữa. Rồi dẫn bộ xe về đường Võ Văn Ngân, chầu chực hơn 2 tiếng đồng hồ mới được đổ xăng", Được kể.
Hai ngày nay, dù xe có xăng nhưng Được tắt app và nằm ở phòng trọ chứ không dám chạy xe đón khách. Bởi sợ lỡ đang chở khách mà xe hết xăng giữa đường thì lại bị chửi xối xả.
"Mong cho các cây xăng hoạt động bình thường trở lại. Để người dân ở TP.HCM nói chung và bản thân tôi nói riêng có thể ra đường mà không bị bủa vây bởi nỗi lo về việc đổ xăng", Được nói.
Vũ Thị Thanh Hương (SV Trường ĐH Mở TP.HCM) cũng hi vọng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp duy trì hoạt động bán hàng chứ không đình trệ và gián đoạn như những ngày vừa qua.
"Chứ cứ kiểu mua xăng khó hơn mua vàng như mấy ngày nay diễn ra nữa thì đúng là khổ sở thật sự", Hương nói.
Thế nhưng trước khi những mong mỏi của Hương, Được hay Dương có thể trở thành sự thật, thì nhiều người trẻ chỉ mong sao không phải rơi vào cảnh... xe "hết xăng giữa đường".
Bình luận (0)