Hiểm họa hàng đầu cho sức khỏe nhân loại

Khánh An
Khánh An
16/09/2018 07:30 GMT+7

Các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu đang là nguy cơ hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn cầu.

PV Thanh Niên tiếp tục ghi nhận các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu tại San Francisco theo lời mời của Mạng lưới báo chí trái đất (EJN) và Quỹ Stanley, đều có trụ sở ở Mỹ. Tại Diễn đàn khí hậu và sức khỏe hôm qua, đại biểu từ 26 quốc gia và các tổ chức quốc tế cùng lên tiếng cảnh báo về tình trạng chưa nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ngành y học có nhiều tiến bộ nên xác định rõ ràng hơn về những căn bệnh có nguyên nhân từ sự thay đổi thất thường của khí hậu toàn cầu.
Phát biểu tại diễn đàn, cựu Tổng thống Chile Ricardo Lagos nhấn mạnh sức khỏe tốt và phát triển lành mạnh không phải là “điều nhân loại cầu mong là có, mà phải phấn đấu mới đạt được”. Ông kêu gọi thế giới đồng lòng đối phó mối đe dọa từ môi trường do tác động của biến đổi khí hậu. Cùng quan điểm, Chủ tịch Tổ chức Health Care Without Harm (Mỹ) Gary Cohen cảnh báo số người tử vong vì ô nhiễm không khí đã vượt qua con số từ bệnh dịch như AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Theo ông, hàng tỉ USD đang được đổ vào công tác phòng chống các bệnh này, trong khi việc đối phó biến đổi khí hậu lại chưa được quan tâm đúng mức.
Báo cáo của LHQ tại hội nghị cho thấy thế giới đang đối mặt với thời tiết ngày càng bất thường khi nhiệt độ tăng, kèm theo những đợt nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân nhiều nước. Trong giai đoạn tháng 6 - 8 vừa qua, ít nhất 74 người tại Canada và 80 người tại Nhật Bản thiệt mạng vì các đợt nắng nóng bất thường được gọi là “bão nhiệt”. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cũng dẫn đến nguy cơ dễ xảy ra đột quỵ và các bệnh tim mạch. Tính từ năm 1990 đến nay, hơn 500.000 người tại châu Á thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến thời tiết do biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, xăng dầu và khí đốt là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí và môi trường nước, dẫn đến các bệnh về phổi và ung thư. Gần đây, giới y học tiếp tục phát hiện ô nhiễm không khí còn gây tổn thương nặng nề đối với não và chức năng thần kinh. Ông Richard Feachim, Giám đốc Tổ chức Sức khỏe toàn cầu (Anh), thậm chí so sánh nguy cơ đối với nhân loại do biến đổi khí hậu gây ra tương đương với tiểu hành tinh va chạm vào trái đất hoặc thảm họa hạt nhân. “Giới lãnh đạo cần cứng rắn hơn và đưa ra các cam kết cũng như đầu tư nhiều hơn nhằm giúp nhân loại vượt qua thảm họa nghiêm trọng này”, ông nhấn mạnh.
Riêng đối với ngành y tế, Giám đốc Mạng lưới quốc tế về hành động chống biến đổi khí hậu (Li Băng) Wael Hmaidan kêu gọi các bác sĩ và y tá đóng vai trò tích cực hơn trong công tác nâng cao ý thức người dân. “Bác sĩ là những người có ảnh hưởng rất lớn và có thể tác động trực tiếp đối với cộng đồng. Họ cần lên tiếng cảnh báo với bệnh nhân về tác động của biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng”, ông kêu gọi.
Bên cạnh các cảnh báo, diễn đàn cũng đưa ra một số tín hiệu tích cực khi theo thống kê, hơn 1.200 bệnh viện tại các nước phát triển và đang phát triển đã cam kết sử dụng năng lượng tái tạo hoàn toàn. Hơn 200 y tá tại 22 tiểu bang ở Mỹ cũng tham gia dự án kêu gọi đồng nghiệp cùng hưởng ứng hành động chống biến đổi khí hậu trong công việc. Bên cạnh đó, 24 cơ sở y tế lớn ở Mỹ tham gia Liên minh WASI để cho thấy vẫn theo lộ trình của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này.
Hàng loạt cam kết mới
Trong hôm qua, Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu đã đạt nhiều bước tiến quan trọng. Đáng chú ý, Liên minh Chống sử dụng than có thêm 10 thành viên mới, trong đó có Xứ Wales, bang Minnesota, Connecticut và thành phố New York (Mỹ) cũng như vùng đô thị thủ đô Canberra của Úc. Ngoài ra, một nhóm gồm 17 bang và lãnh thổ của Mỹ cam kết sẽ chi 1,4 tỉ USD (32.500 tỉ đồng) phát triển phương tiện giao thông ít khí thải và tăng cường triển khai điện mặt trời. Cùng ngày, 73 thành phố cam kết sẽ tiến tới không phát thải khí nhà kính vào năm 2050, trong đó có 27 thành phố đã qua giai đoạn đỉnh điểm phát thải khí nhà kính. Một sự kiện quan trọng khác là 26 thành phố với dân số 122 triệu người đặt mục tiêu sử dụng xe không gây ô nhiễm, hứa hẹn tiềm năng lớn cho ngành ô tô điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.