Hầu hết các học sinh bị ngăn chặn, thu giữ hàng chục quả pháo nổ tại TP.Đà Nẵng, hay các tỉnh thành trên cả nước, đều khai học chế pháo trên mạng. Tại các fanpage, hội nhóm, các clip, hình ảnh cụ thể, nguồn nguyên liệu mua bán dễ dàng, đã vô tình tiếp tay cho một trong những mặt hàng cấm, có tính sát thương cao.
Không chỉ pháo nổ, vừa qua Công an TP.Đà Nẵng cũng đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến việc chế tạo, mua bán súng. Máy in 3D ngày càng phổ biến, giá thành rẻ, cùng với sự nở rộ của thông tin trên mạng, trở thành công cụ đắc lực cho giới trẻ mày mò, thử nghiệm chế tạo vũ khí.
Không thể phủ nhận vai trò hay cấm đoán sử dụng mạng xã hội, nhưng rất cần "tường lửa", bởi đề kháng của giới trẻ còn yếu trước các thông tin xấu, độc, trong khi tò mò, thích khám phá là đặc tính của thanh thiếu niên. Song song đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc tàng trữ, mua bán các loại hóa chất, vật liệu chế tạo pháo, thuốc nổ, súng đạn trên thị trường chợ đen trước thực trạng mua bán các nguyên liệu đầu vào quá dễ dàng và thậm chí công khai trên các hội nhóm.
Ngoài ra, dù ngành thông tin truyền thông, văn hóa và cả cơ quan công an đã có nhiều biện pháp, nỗ lực trong việc ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng, nhưng gia đình, học đường - những môi trường gần gũi với giới trẻ nhất, chính là thành trì cuối cùng, có vai trò quyết định trong việc ngăn chặn từ đầu những hành vi lệch lạc.
Lạ lùng là nhiều học sinh rất thờ ơ với các giờ học ngoại khóa, giờ thực hành, thực nghiệm của phòng thí nghiệm ở trường, nhưng rất hứng thú mày mò với các clip tự chế tạo trên mạng. Phải chăng các chương trình ở trường chưa theo kịp hoặc chưa cập nhật, cung cấp cho học sinh các kiến thức thực tế mà các em cần? Ngoài ra sự giám sát, uốn nắn, hướng dẫn của phụ huynh, người thân về những nguy hiểm trên mạng xã hội cũng có thể giúp ngăn chặn những việc làm thiếu suy nghĩ như việc tự chế pháo nổ, súng đạn.
Bình luận (0)