Theo đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), vụ cháy chung cư mini tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua như "giọt nước tràn ly" của những vấn đề tích tụ lâu nay. Dù vậy, chung cư mini cũng là "phao cứu sinh" về chỗ ở cho người thu nhập thấp, sinh viên hiện nay, nên theo ông, cần giải bài toán hiện hữu bằng những biện pháp kỹ thuật phù hợp, bịt chặt kẽ hở. "Siết chặt quá mức cần thiết sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường, khi họ không có điều kiện để ở tại những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao", ĐB Thắng nêu.
Đáng chú ý, theo ông Thắng, một giải pháp thay thế cho chung cư mini là nhà ở xã hội (NƠXH) lại đang triển khai ì ạch khi doanh nghiệp (DN) chưa mấy mặn mà. Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho vay NƠXH mới giải ngân được 83 tỉ đồng, trong khi lại đang ế ẩm hàng nghìn căn hộ không ai thuê mua. ĐB Thắng lý giải sự tồn tại của "núi" thủ tục, "rừng" quy định hành chính cùng những rủi ro pháp lý là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Phải tháo gỡ nút thắt, tháo gỡ cho DN thì mục tiêu phát triển NƠXH mới đạt.
Tranh luận lại quan điểm này, ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng nhà ở, nhà trọ với người lao động, người thu nhập thấp rất cần thiết nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý nhà nước về xây dựng nhà ở, nhà trọ và khu chung cư. Việc cấp phép sai, không đúng quy định về cấp phép xây dựng đối với những ngôi nhà này cần xử lý nghiêm minh.
Dẫn lại vụ chung cư cháy tại Hà Nội được cấp phép 6 tầng nhưng xây 9 tầng, theo ĐB Lịch, "quản lý nhà nước của chúng ta buông lỏng, biết nhưng không xử lý". Đây là kẽ hở trong công tác quản lý, cần phải làm nghiêm khắc. Mặt khác, kết quả giám sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) với chung cư mini cho thấy hầu hết đều không đảm bảo, trong khi quy định PCCC với loại hình này chưa có.
Không sửa luật để hợp thức hóa chung cư mini
Liên quan đến PCCC, ĐB Lịch cho biết qua giám sát đối với 65 cơ sở cho thuê chung cư mini thì hầu hết đều không bảo đảm PCCC, nhưng theo báo cáo, hiện không có quy định về PCCC đối với nhà riêng lẻ. Từ đó, ĐB Lịch nhận định luật còn chỗ trống, kẽ hở, cần siết chặt quản lý, làm rõ trách nhiệm của ngành chức năng và phải sửa luật trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thì cho rằng tới nay các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thậm chí định danh với chung cư mini cũng không rõ ràng, chưa được quy định trong luật, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị. "Với quy định hiện hành, một cá nhân, một gia đình có thể đứng ra xây dựng chung cư mini để bán mà không bị khống chế số lượng căn hộ, chiều cao. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần xin cấp giấy phép xây dựng riêng lẻ với nhà ở xây dựng", bà Thủy nêu, so sánh chung cư thông thường được quản lý rất chặt nhưng nhà ở riêng lẻ, chung cư mini hiện nay đều không chịu sự tiền kiểm hay hậu kiểm của sở xây dựng.
10 năm qua đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các chung cư mini. Riêng TP.HCM có hơn 42.200 nhà cho thuê kiểu chung cư mini. Theo bà Thủy, nhiều chuyên gia xây dựng tổng kết các chung cư mini có "4 không" gồm: không ban quản lý, không quy chế vận hành, không lối thoát hiểm, không quy chuẩn PCCC… Nhiều chung cư mini xây dựng sai phép, trái phép không đảm bảo an toàn, lỗi phổ biến là vượt tầng. Tình trạng phạt cho tồn tại, cưỡng chế trên văn bản đã diễn ra trong thời gian dài.
Dù vậy, bà Thủy cũng cho rằng với mức giá chỉ 700 - 800 triệu đồng, chung cư mini đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người dân có khả năng tài chính eo hẹp. "Sau vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương, yêu cầu quyết liệt đặt ra là cơ sở nào không bảo đảm phải dừng hoạt động, nhưng với chung cư mini không thể xử lý như vậy được. Đây là nơi ăn, chốn ở của hàng trăm nghìn con người. Tôi thống nhất ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là nhu cầu nhà ở của người dân phải được bảo đảm, nhưng dứt khoát không hợp thức hóa sai phạm", bà Thủy nêu.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng với hệ thống pháp luật hiện nay hoàn toàn có thể xử lý được chung cư mini nếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Ông đề nghị không sửa luật để hợp thức hóa chung cư mini có dấu hiệu sai phạm. Về lâu dài, ĐB Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai những giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung NƠXH và nhà ở thương mại giá bình dân. Đây là gốc rễ vấn đề giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 1.11
Bình luận (0)