Trí thông minh nhân tạo (AI) tạo sinh (Generative AI) là một loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có. Mới đây, Tổ chức RAND (Mỹ) đã có báo cáo về nguy cơ AI tạo sinh thao túng thông tin và quan điểm dư luận.
Theo đó, sự phát triển của mạng xã hội trong gần 2 thập niên qua đã kéo theo tình trạng thông tin giả mạo lan truyền ngày càng phổ biến hơn, gây tác động đến nhiều người nhằm thao túng dư luận thông qua mạng xã hội. Đánh giá việc AI tạo sinh thao túng mạng xã hội đã chuyển sang thế hệ thứ 3, báo cáo của RAND chỉ ra 3 thế hệ cụ thể như sau.
Từ lan truyền tin giả thô sơ
Thế hệ 1, đây là giai đoạn mà việc thao túng còn khá thô sơ bằng cách tạo ra các trí tuệ nhân tạo dạng robot ảo (thường được gọi là bot) đăng ký tài khoản trên mạng xã hội rồi lan truyền các thông tin bằng các văn bản với một số từ khóa (keyword) do người điều khiển đưa ra. Từ đó, các bot phát tán các câu bình luận, nội dung dựa trên những từ khóa được chọn lọc, nhưng lại không có khả năng tương tác mở rộng thêm với người dùng khác. Cách thức này nhanh chóng lỗi thời do dễ bị người khác nhận ra.
Thế hệ 2 là giai đoạn tiên tiến hơn với công nghệ phức tạp khi các bot có khả năng giống con người hơn vì có thể thu thập dữ liệu trên internet để thiết lập nội dung và hồ sơ tài khoản mạng xã hội. Các bot cũng có thể định kỳ đăng tải bài trên mạng xã hội để tạo sự tương tác ảo. Nhưng ở giai đoạn này, khả năng tương tác trực tiếp của bot với người khác vẫn còn hạn chế. Ở thế hệ 2, AI cải tiến cả tin nhắn và cách thức nhắn tin để chia sẻ thông tin sai lệch tinh vi hơn. Điển hình là kết hợp chia sẻ các "video giả mạo sâu" - những video có nội dung giả nhân vật phát biểu những thông tin sai lệch nhưng có âm điệu, giọng nói khá gần với nhân vật thật ngoài đời. Điển hình năm 2022, nhiều bot trên mạng xã hội đã chia sẻ video giả mạo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đầu hàng trước Nga.
'Tổng tư lệnh kêu gọi lật đổ tổng thống' Ukraine hóa ra là video giả
Những nội dung giả mạo sâu như vậy thường có thể được phát hiện bởi những người quan sát cẩn thận các hành vi của con người. Ví dụ môi và các bộ phận trên khuôn mặt có thể không đồng bộ, da có thể trông quá mịn hoặc quá thô và đối tượng hầu như luôn nhìn thẳng về phía trước. Nhưng độ xác thực ngày càng tăng của các tài khoản chia sẻ (bot thông minh hơn thế hệ 1) và việc tổng hợp được âm thanh, video hoặc hình ảnh có thể đánh lừa mọi người. Ở thế hệ 2, cả tính hợp lý của các tài khoản ảo và đặc biệt là chất lượng nội dung được cải thiện đã khiến các chiến dịch gây ảnh hưởng khó bị phát hiện hơn.
Đến tương tác để thao túng
Đến thế hệ 3 hiện nay thì không chỉ lan truyền tin giả ở mức sâu mà nhờ AI thì tính chân thực còn cao hơn để dễ dàng thao túng người dùng.
Một bước nhảy vọt về công nghệ giúp làm mờ ranh giới giữa những gì có thể được phát hiện là nội dung thực và nội dung tổng hợp, bởi không chỉ con người nói riêng mà còn thông qua phương tiện máy móc.
Ngược lại với thế hệ trước, bước tiến quan trọng ở đây nằm ở tính hợp lý của người đưa tin hơn là thông điệp. Cụ thể là khả năng của một mạng bot khổng lồ trông giống và hoạt động như con người, đồng thời tạo ra văn bản, hình ảnh cũng như video và âm thanh hỗ trợ tính xác thực cho thông tin của bot lan truyền. Trong đó, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) dành cho AI là một cơ sở quan trọng cho bước tiến này.
Các bot có thể quyết định tự chủ hơn giống người. Đó là khi được giao một nhiệm vụ, bot có thể tự lập kế hoạch cho các hành động, thực hiện các hành động đó, sửa đổi và quyết định khi nào nhiệm vụ được hoàn thành. So với thế hệ 2, việc áp dụng AI để thao túng mạng xã hội thế hệ 3 có các bước tiến nổi bật sau.
Đầu tiên, về tính xác thực thì các bot có thể hành động theo những cách trông giống con người đích thực. Ví dụ, các bot có thể thu thập thông tin để nắm bắt đặc điểm đối tượng nhằm tương tác trực tiếp như nhắn tin trao đổi ngắn, viết bình luận. Bằng cách học sâu, bot sẽ ngày càng thông minh hơn nên quá trình tương tác với các tài khoản mạng xã hội với người thật sẽ trở nên thuyết phục hơn.
Thứ hai, về hiệu suất hoạt động, nếu thế hệ 2 đòi hỏi những người đứng sau thao túng thông tin cần phải trực tiếp thực hiện nhiều nội dung tin giả (ví dụ như video giả sâu), thì đến thế hệ 3 không đòi hỏi quá nhiều công sức vì AI tạo sinh giúp có thể tự động tạo ra các hình ảnh, video giả mạo nhưng có tính chân thực cao hơn. Ví dụ, chỉ cần đặt ra vài yêu cầu, AI tạo sinh có thể tạo hình ảnh, video độ nét cao để giả mạo mà người xem khó nhận ra.
Thứ ba, nhờ ưu thế tự động xây dựng nội dung mà việc thao túng mạng xã hội sẽ đỡ tốn chi phí hơn. LLM sẽ giúp nhân rộng ra nhiều ngôn ngữ để nhằm vào nhiều đối tượng mang đặc tính quốc gia, dân tộc, quan điểm khác nhau. Thông qua mô hình LLM kết hợp cùng mô hình tự học sâu của AI với một nguồn dữ liệu khổng lồ được tập hợp, thì AI ngày càng thông minh và trao đổi thông tin giống người hơn, thậm chí còn biết dùng cả "tiếng lóng" hay các ngôn ngữ địa phương phù hợp với đối tượng mục tiêu để tương tác.
Mặc dù vậy, theo RAND thì AI đến nay vẫn chưa hoàn hảo như con người, không có loại trí thông minh chung mà con người sở hữu nên AI vẫn có những hạn chế mà con người thông qua đó có thể nhận biết, dù việc nhận biết sẽ khó hơn.
Amazon dạy miễn phí AI tạo sinh
Theo trang The Verge, Công ty thương mại điện tử Amazon của Mỹ đang khởi động chiến dịch cung cấp các chương trình giáo dục miễn phí liên quan đến AI tạo sinh. Đây là nỗ lực nhằm lan tỏa "những kỹ năng quan trọng" trong thời đại mới cho các đối tượng học viên trẻ lẫn người trưởng thành trên toàn cầu. Các khóa học miễn phí được Amazon triển khai theo khuôn khổ sáng kiến có tên "Sẵn sàng AI", theo đó mở rộng từ những chương trình đào tạo kỹ năng dựa trên nền tảng đám mây do Amazon cung cấp là AWS. Theo sáng kiến này, tổng cộng 8 khóa học miễn phí sẽ được triển khai, chủ yếu tập trung đào tạo kỹ năng quản lý dự án và phát triển liên quan đến AI.
H.G
Bình luận (0)