Hiến kế làm nhà ở xã hội

Đình Sơn
Đình Sơn
28/03/2023 15:57 GMT+7

Nhiều kiến nghị gỡ các nút thắt cho phát triển nhà ở xã hội được đưa ra tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do Báo Người Lao Động tổ chức 28.3.

Đầu tiên phải có đất và tiền

Thành công trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân những năm qua, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết muốn làm được nhà ở xã hội đầu tiên là phải có quỹ đất. Từ năm 2006, tỉnh Bình Dương đã dành 7% đất ở cho các dự án nhà ở trên địa bàn. Theo ông Tuấn, quỹ đất này được tạo ra từ nhiều nguồn.

Đầu tiên là đất của nhà đầu tư đã có sẵn. Nguồn đất thứ 2 do đất nhà nước quản lý. Nguồn này rất lớn, dự kiến lấy một phần để mời gọi đầu tư. Nguồn đất thứ 3 là đánh giá lại quy hoạch phân khu, các doanh nghiệp đã hết thời hạn thuê đất… tỉnh sẽ thống kê, rà soát lại để tạo quỹ đất. Cùng với đó là quỹ đất các doanh nghiệp đề xuất, thu thập lại thành các danh mục, có định hướng đầu tư.

Hiến kế làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM khởi công hồi đầu năm 2022 nhưng đến nay vẫn đắp mền vì "tắc" pháp lý

ĐÌNH SƠN

Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát lại quỹ đất phát triển công nghiệp từ năm 1995 đến nay với khoảng 10%, đang nghiên cứu 1 đề án cây xanh kết hợp nhà ở xã hội. Đây là nguồn quỹ đất cho sau năm 2030.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng phát triển các tuyến đường Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Khi triển khai các dự án này cũng tạo ra quỹ đất khoảng 900 ha. Trong đó dành ít nhất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9 - 10%, nhiều người xin trả lại nhà vì không chịu nổi với lãi suất thương mại. Lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà. Ngân hàng cho vay lãi suất 4,8% - 5%, công nhân, người lao động mới mua được nhà, không thì chỉ thuê. Vì vậy, phải có gói cho vay đối với người chưa tiếp cận nhà ở xã hội. Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần được giải quyết.

Thêm thủ tục hành chính thông thoáng

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nguyên nhân chính làm chậm trương trình phát triển nhà ở xã hội là do cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. Những rào cản này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10.2023.

Trước câu hỏi, đến năm 2030 làm thế nào để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng nói vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách. Bộ Xây dựng đang sửa đổi luật Nhà ở 2014. Sắp tới các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở.

Tương tự, hiện nay thủ tục vướng mắc, khó khăn, thậm chí nhiều thủ tục nhiêu khê hơn dự án thương mại. Những dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, theo dự thảo sắp tới sẽ không phải thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Việc lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật đấu thầu cũng được cắt giảm nhiều thủ tục.

Hiến kế làm nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Một dự án khác cũng rơi vào cảnh tương tự khi khởi công rồi "đắp mền"

ĐÌNH SƠN

Đối tượng được thuê nhà ở xã hội cũng không phải đảm bảo nhiều điều kiện như hiện nay và chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công thay vì tổng thu nhập. Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, quy định chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Trước bức xúc về nguồn vốn, theo ông Hà Quang Hưng, nhìn nhận thực tế sau khi kết thúc gói 30.000 tỉ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có ngân hàng chính sách xã hội được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu. Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác nên đứt gãy nguồn cho chủ đầu tư, người dân, việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ và Bộ cũng đề xuất lên cấp cao hơn.

Hiện đã có gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.