Hệ quả phát sinh trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống, kinh tế, xã hội... Hoạt động của các cơ quan tố tụng, đặc biệt tòa án... có vẻ không liên quan, nhưng thực chất cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch.
Tại những địa phương đang thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, ngoại trừ những trường hợp cấp bách, ngành tòa án đã phải tạm dừng việc xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc...
Do vậy, khi ý kiến tòa xét xử trực tuyến được khởi phát, bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng “mô hình tiến bộ”, cũng còn nhiều biểu hiện lúng túng nhất định.
Một trong những vấn đề cốt lõi liên quan đến tính khả thi của đề xuất này nhấn mạnh đến phối hợp giữa các cơ quan tố tụng. Điều này có nghĩa, cần sự thống nhất, phối hợp giữa Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao (TANDTC). Nó phải được cụ thể hóa thông qua văn bản hướng dẫn, nhằm áp dụng, điều hành phiên tòa đảm bảo các quy định pháp luật và quyền lợi các bên tham gia.
Không phải đến thời điểm dịch Covid-19 này, mô hình tòa án điện tử mới được đặt ra. Có thể thấy, một số khâu nhất định đã từng bước được hiện thực hóa. Trước đó, ngày 30.12.2016, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác với tòa án trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính. Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP, ngày 16.3.2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc công bố (hay không công bố) bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của tòa án cũng được coi là một bước tiến bộ.
Nhưng, để xác lập mô hình tòa án điện tử hoàn chỉnh, cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ; có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu..., bên cạnh đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, tính bảo mật, an ninh mạng... Quan trọng nhất, vẫn là yếu tố “thích ứng” của con người trong hệ thống.
Bình luận (0)