Hiệp hội Điều Việt Nam nêu lý do chưa mua bán mạnh với Guinea-Bissau

09/09/2024 20:19 GMT+7

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống nước Cộng hòa Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló đến Việt Nam, các doanh nghiệp điều trong nước đã có cuộc làm việc song phương để đẩy mạnh giao thương.

Hiệp hội Điều Việt Nam nêu lý do chưa mua bán mạnh với Guinea-Bissau - Ảnh 1.

Đoàn doanh nghiệp Điều Việt Nam làm việc với cơ quan quản lý Guinea-Bissau

NVCC

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống nước Cộng hòa Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló và phu nhân vừa qua, đoàn doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Điều VN (VINACAS) đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Kinh tế và Kế hoạch, Tài nguyên thiên nhiên của Guinea-Bissau. Theo VINACAS, nhiều năm qua, Guinea-Bissau là một trong 5 nước châu Phi xuất khẩu điều thô lớn nhất vào Việt Nam. Năm 2023, ngành điều Việt Nam nhập từ Guinea-Bissau trên 159.930 tấn điều thô với tổng giá trị trên 186 triệu USD, đứng thứ 5 trong các nước trên thế giới xuất khẩu điều thô cho Việt Nam.

Mặc dù vậy, Guinea-Bissau chỉ chiếm chưa đến 6% lượng điều thô Việt Nam nhập từ các nước do chất lượng điều thô của Guinea-Bissau được đánh giá khá tốt nhưng hạt lại nhỏ. Các doanh nghiệp điều Việt Nam quan tâm nhiều đến nguồn hàng của Guinea-Bissau nhưng hiện giao dịch của doanh nghiệp 2 nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó Guinea-Bissau thiếu container nên dù có hàng thì vẫn phải chờ, khi đã đóng hàng thì lại phải chờ tàu… làm cản trở trong thực hiện hợp đồng giữa 2 bên.

Tại cuộc làm việc, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực VINACAS nêu yêu cầu: Các nhà nhập khẩu Việt Nam mong muốn được mua nguồn hàng tốt, ổn định từ Guinea-Bissau nhưng nước này cần tăng cường sự quản lý của các cơ quan chức năng để các doanh nghiệp Guinea-Bissau thực hiện đúng những hợp đồng về chất lượng và thời gian giao hàng đã ký với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chưa có quan hệ với ngân hàng tại Guinea-Bissau nên vấn đề này lại phải thông qua các ngân hàng trung gian ở nước thứ 3 dẫn đến các thủ tục thanh toán khá rắc rối, mất nhiều thời gian và thêm chi phí.

Trao đổi với Đoàn VINACAS, Ông Carlos Pinto Perreira, Bộ trưởng Ngoại giao Guinea-Bissau cho biết: Việc kinh doanh là của các doanh nghiệp hai bên tự xem xét, quyết định, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Guinea-Bissau sẽ cập nhật, hoàn thiện các quy định, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp Guinea-Bissau và các nước. Các hoạt động ấy sẽ được Tòa án Thương mại giám sát, xử lý. Chính phủ Guinea-Bissau cũng đã có những biện pháp để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay, như: Vụ mùa năm ngoái, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể đến thủ đô Bissau để mua điều nhưng năm nay có thể đi thu mua điều ở các tỉnh thành khác; như vậy, sẽ giảm bớt các khâu trung gian và những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình giao dịch.

Ông Carlos Pinto Perreira cũng cho biết đang xử lý 2 vấn đề mà phía Việt Nam đưa ra, trong đó chính phủ Guinea-Bissau đang xem xét đầu tư, nâng cấp cảng để có thể đón 2 tàu tải trọng lớn cùng một lúc thay vì chỉ 1 tàu như hiện nay và xây dựng cảng mới hiện đại hơn để phục vụ cho nhiều mặt hàng khác. Về vấn đề giao dịch qua ngân hàng, các bên cho biết sẽ báo cáo Chính phủ 2 nước và trao đổi với ngành ngân hàng để sớm tháo gỡ vướng mắc này. Tuy nhiên, ông Carlos Pinto Perreira nhấn mạnh: Dù có những rắc rối nhất định nhưng ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên giao dịch qua ngân hàng khi ký kết, thực hiện hợp đồng mua điều thô tại Guinea- Bissau để tránh những rủi ro phát sinh, nhất là khi đặt cọc trước cho vụ điều thô năm sau. Như vậy, các cơ quan chức năng Guinea-Bissau có căn cứ để can thiệp, hỗ trợ khi cần, đồng thời giúp chính phủ chống được việc rửa tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.