'Hiệp sĩ di tích' trong lòng bạn bè: Phong cách trùng tu Kazik

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
27/04/2022 06:48 GMT+7

Các chuyên gia Ý, Ấn Độ khi đến thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) để tiếp tục sứ mệnh tu bổ các ngọn tháp đã thốt lên những lời cảm ơn đối với cố kiến trúc sư Kazik. Từ hơn 40 năm trước, Kazik đã xác lập nguyên tắc gìn giữ tính chân xác mà đến nay giới tu bổ di tích vẫn đang kế tục…

Cấp cứu tháp cổ

Giữa trưa, theo chân nữ hướng dẫn viên chậm rãi qua các ngọn tháp, mandapa (nhà dài), tôi được nghe kể câu chuyện tu bổ thánh địa. Chỉ tay lên bức tường, cô hướng dẫn viên cho biết đó là phần gạch cổ nguyên gốc của ngọn tháp. Còn kia là phần gạch xây lõm vào, được tu bổ dưới sự chỉ huy của kiến trúc sư (KTS) Kazik. Các du khách nghe câu chuyện cứ “ồ, à” lấy làm thú vị. Để hậu thế có thể phân biệt được đâu là mới - đâu là cũ, đâu là phần nguyên gốc - đâu là phần được gia cố thêm, cố KTS Kazik kiên trì theo đuổi phong cách vừa cấp cứu di tích vừa tu bổ tôn trọng tính chân xác.

Nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam Hồ Xuân Tịnh, người từng làm việc với Kazik, nhớ lại vị KTS Ba Lan này vốn dĩ có kinh nghiệm nhiều năm trùng tu di tích ở châu Âu nên rất thận trọng khi tu bổ loại hình kiến trúc Chăm còn mới lạ. Ông vận dụng những nguyên tắc của trường phái trùng tu khảo cổ học vào việc tu bổ khu đền tháp ở Mỹ Sơn. Ông luôn cố gắng giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, không làm lẫn lộn các thành phần nguyên gốc với các thành phần mới đưa vào để chống đỡ, gia cường.

Nhiều ngọn tháp tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được Kazik “cấp cứu” thành công trên nguyên tắc khảo cổ học

HOÀNG SƠN

“Những năm 1980, đối với các tháp bị cây cối, rễ cây xuyên qua thân tháp, Kazik cho công nhân dọn dẹp rồi rút hết rễ cây ra. Tiếp đó, ông dùng phương pháp khoan neo, dùng dây cáp siết thân tháp co lại. Các khoảng trống, rời rạc của tháp được cáp ép chặt, rất chắc chắn”, ông Tịnh nhớ lại. Ông Tịnh kể, tiến sĩ khảo cổ học người Ý Patrizia Zolese khi đến với Mỹ Sơn cũng nhận xét: Nếu không có Kazik, chúng ta không còn những ngọn tháp để nghiên cứu và trùng tu.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cũng chứng kiến nhiều chuyên gia Ý, Ấn Độ đã rất ấn tượng bởi cách gia cố tường gạch của KTS Kazik. “Các chuyên gia nước ngoài đã tỏ ra biết ơn Kazik vì phương pháp neo giữ các bức tường của tháp. Họ bảo rằng trong điều kiện cách đây 40 năm, việc khoan neo, thậm chí gia cường bằng các thanh sắt để giữ tháp khỏi đổ là quá tốt và phải ưu tiên hàng đầu”, họa sĩ Hỷ kể.

Xấu đều hơn tốt lỏi

Năm 1993, di tích nhà dài D1 và D2 ở Mỹ Sơn bị sập phần mái, phần tường với gạch cổ đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Lúc đó, KTS Kazik khẳng định phải làm lại phần mái vì không làm thì cả 2 mandapa sẽ càng thêm hư hỏng. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể: “Sau khi hỏi ý kiến của tôi, ông quyết định làm phần mái che bằng tấm lợp nhưng làm thành mái lõm, bên trong đặt máng dẫn nước ra ngoài. Với phương pháp này, 2 mandapa vẫn được bảo vệ tối đa mà không bị phần vật liệu mới gây “chỏi” mắt khi nhìn từ bên ngoài. Đó là cách làm bảo vệ tính nguyên gốc mà tôi rất thán phục Kazik”.

Ở 2 nhà dài này, Kazik cũng dùng xi măng liên kết gạch nhưng xây lõm vào 5 cm để phân biệt với tường gốc. Các con tiện bằng đá ở khung cửa sổ lấy sáng được Kazik cân nhắc kỹ. Ông không làm khối hình trụ theo mẫu gốc mà chỉ làm khối dẹt nhằm giữ tính chân xác trong bảo tồn kiến trúc. Điều đó giúp hậu thế không bị nhầm lẫn giữa cái mới với cái nguyên bản. Dẫu chỉ xây gạch gia cố nhưng vẫn theo các nét cơ bản của kiến trúc ban đầu… Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho biết, khoảng thời gian năm 1986 - 1990, những ngôi tháp thuộc nhóm A được gia cố và KTS Kazik đã sử dụng lại gạch cổ rơi ra từ các tháp, dùng xi măng gắn kết để phục hồi các tường tháp đổ.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể thêm, nhóm tháp Chiên Đàn (H.Phú Ninh, Quảng Nam) cũng được Kazik tu bổ bằng kỹ thuật khoan POK, “chặt” gạch cũ xây bề mặt nhám. Và ông đã cứu thành công các tháp có nguy cơ sụp đổ. “Tôi gọi phương pháp của Kazik là “xấu đều hơn tốt lỏi”, bởi phần gạch xấu được phô ra ngoài thì sẽ đẹp đồng đều với bức tường cũ, hơn là chọn gạch mài nhẵn “đẹp lỏi” mà lại xấu trong bức tranh chung”, ông Hỷ nói. Ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn, nhận định quan điểm gìn giữ tính chân xác của Kazik đã đảm bảo tính nguyên gốc, không làm biến dạng các di tích tại thánh địa Mỹ Sơn.

“Nhiều thời kỳ, nhiều tổ chức quốc tế tu bổ, tôn tạo thánh địa Mỹ Sơn đã tiếp tục gìn giữ yếu tố gốc như Kazik từng làm. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, khi chưa hiểu hết về di tích thì việc tu bổ phải làm sao để nhận diện cái mới, khi nào phát hiện, xác định chắc chắn thì mới trùng tu trên cơ sở giữ vững tính chân xác”, ông Hộ nhấn mạnh. (còn tiếp)

Tại sao chưa đặt tượng Kazik tại Mỹ Sơn ?

Ông Phan Hộ cho biết, với những công sức lớn lao trong cấp cứu, tu bổ tháp Chăm, cố KTS Kazik xứng đáng được vinh danh tại khu thánh địa Mỹ Sơn. Năm 2016, BQL đã tổ chức hội thảo và thống nhất cao việc bên cạnh đặt tượng Kazik còn có thêm tượng của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh và nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier - những người có công lớn với Mỹ Sơn. “Tuy nhiên, trong quy hoạch chưa có vườn tượng nên việc đặt tượng chưa thể tiến hành. Trong quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, BQL sẽ xây dựng vườn tượng để tri ân, vinh danh Kazik và 2 vị đã nêu”, ông Hộ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.