Biến cố đầu đời
Người ta vẫn thường nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, vậy khi không còn đôi mắt thì cửa sổ tâm hồn bị khép lại? Điều này không hoàn toàn đúng đối với anh Trần Bá Thiện - người có nghị lực phi thường đã làm nên những việc không tưởng dù trước mắt anh chỉ toàn một màu tối.
Cách đây hơn 3 thập niên, Trần Bá Thiện là một sinh viên hiền lành, chăm chỉ và vừa bước vào giảng đường đại học với nhiều ước vọng cho tương lai. Chính vào thời điểm ấy, một tai nạn nổ mìn thương tâm đã cướp đi đôi mắt khiến cánh cửa tương lai của anh đang rộng mở bỗng nhiên đóng sập lại.
|
Tôi viết những dòng này bằng sự cảm thông sâu sắc, bởi tôi cũng như anh, đến với bóng tối sau những tháng năm học tập và làm việc trong ánh sáng. Dường như trong cùng cực của sự đau đớn, tạo hóa đã cho anh một sức mạnh phi thường để đứng lên đương đầu với số phận. Trải qua bao khó khăn về mặt tinh thần, vật chất và hơn cả là sự hạn chế sức khỏe, Trần Bá Thiện đã miệt mài tập luyện và trở thành một nghệ sĩ guitar cổ điển chuyên nghiệp. Tôi nhận ra trong anh dường như không có chỗ cho sự lùi bước, bởi luyện tập guitar cổ điển là cả một quá trình đòi hỏi sự khéo léo và tính kiên nhẫn vượt trội.
Cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật
Phải bắt đầu từ đâu để nói về một Trần Bá Thiện với những ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng người khuyết tật? Trước hết, cho phép tôi khắc họa chân dung Trần Bá Thiện như một hiệp sĩ trong lĩnh vực tin học đặc biệt của người khiếm thị. Nhờ có phần mềm NDC và đặc biệt là bộ đọc tiếng Việt dành cho người mù của Trung tâm Sao Mai mà anh đã góp phần tạo dựng để hôm nay tôi diễm phúc có cơ hội viết những dòng chữ này bằng máy vi tính. Thực tế trước khi bộ đọc tiếng Việt của Sao Mai ra đời, máy vi tính đối với người mù vẫn còn là một khái niệm xa xỉ, bởi người mù phải sử dụng một chuỗi những chương trình đặc thù và hoàn toàn bị cô lập với công nghệ thông tin của người sáng. Vì vậy, có thể nói đây là chương trình quan trọng và thiết thực hàng đầu dành cho người mù, hay nói khác hơn anh đã góp một bàn tay nhằm tạo ra những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực máy vi tính dành cho cộng đồng khiếm thị, dìu dắt chúng tôi những bước đi đầu tiên trên con đường đến gần với công nghệ thông tin.
Nếu dừng lại ở đây thì quả thật ảnh hưởng của Trần Bá Thiện chỉ gói gọn trong cộng đồng khiếm thị. Mặc dù là một người mù nhưng bằng vốn tiếng Anh lưu loát cùng kỹ năng tin học vượt bậc, anh là gương mặt quen thuộc, xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn cả trong và ngoài nước, mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người yếu thế trong xã hội.
Khi đã ngoài 40 tuổi, Trần Bá Thiện lại quyết tâm thực hiện tiếp giấc mơ giảng đường ngày nào. Năm 2009, anh vinh dự nhận tấm bằng cử nhân loại khá Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM. Bao nhiêu khó khăn không vùi lấp niềm tin, nghị lực mãnh liệt trong anh. Điều đáng khâm phục hơn là anh cũng đã học xong khóa đào tạo từ xa học vị thạc sĩ của Trường ĐH American University với môn học chính sách quốc tế dành cho người khuyết tật.
TP.HCM vẫn đang thay đổi và phát triển từng ngày. Ở đó có một Trần Bá Thiện mang đầy hoài bão, luôn mong muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng đời sống tinh thần của cộng đồng khuyết tật ngày một tốt hơn. Gặp lại anh trong vai trò giảng viên môn tin học đặc biệt của Trường ĐH Văn Lang, anh vẫn tươi cười nói: “Khi nào còn thở thì lúc đó còn cố gắng”.
Tôi cầu chúc gia đình nhỏ của anh luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Xin viết tặng anh hai câu thơ: “Đường anh đi thiếu vắng sắc hoa hồng/Nhưng vẫn sống, vẫn cười, và ước mơ!” và rất cảm ơn anh - người đã chung tay đem ánh sáng tin học đến cho người mù!
BTC cuộc thi “Gương nghị lực phi thường” tiếp tục nhận bài dự thi đến 31.12.2013. Email nhận bài: nghilucphithuong2013@gmail.com, nghilucphithuong@thanhnien.com.vn, hoặc địa chỉ: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem trên www.thanhnien.com.vn (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130519/cuoc-thi-viet-guong-nghi-luc-phi-thuong.aspx) Kèm logo của Báo Thanh Niên và Hoa Sen (là 2 đơn vị tổ chức cuộc thi). |
Lê Dương Thể Hạnh (*)
(*) Tác giả bài viết cũng là một người khiếm thị.
>> Giúp người khiếm thị
>> GS Ngô Bảo Châu xúc động khi giao lưu với người khiếm thị
>> Người khiếm thị học giới tính
>> Tìm hiểu thế giới người khiếm thị qua triển lãm Vô hình
>> Trải nghiệm thế giới người khiếm thị
Bình luận (0)