Thượng tá Hà Văn Thanh là người từng gắn bó với phong trào “hiệp sĩ” truy bắt tội phạm ở P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) hơn 20 năm, từ khi thành lập đội "hiệp sĩ đường phố", trong đó có anh Nguyễn Thanh Hải.
Anh Hải làm "hiệp sĩ đường phố" vì đam mê
Ông Thanh từng làm Trưởng công an P.Phú Hòa, trước khi nghỉ hưu, ông Thanh giữ chức vụ Phó trưởng phòng Phong trào Công an tỉnh Bình Dương. Là người tâm huyết với phong trào phòng chống tội phạm, mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng khi hay tin “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải xin ra khỏi CLB, ông Thanh cho biết mình rất bất ngờ.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thanh cho biết: “Tôi bất ngờ vì anh Hải là người tích cực nhất trong phong trào phòng chống tội phạm xuyên suốt trên 20 năm rồi. Tôi nghĩ kinh tế gia đình anh Hải không đến nỗi khó khăn. Ảnh tham gia phong trào do đam mê thôi. Đến giờ, chúng ta đã nhân rộng phong trào ra 91 xã, phường thị trấn rồi. Việc anh Hải xin ra khỏi CLB khiến tôi cũng bất ngờ.”
Thượng tá Hà Văn Thanh khẳng định: “Theo quy chế này thì các CLB hoạt động trong phạm vi địa bàn nơi thành lập. Nhưng thực chất, địa bàn hoạt động của tội phạm hiện giờ hoạt động khắp nơi. Nhiều khi đến địa bàn này không ra tay được thì tội phạm chuyển địa bàn khác. Do đó có một số anh em bám sát, theo dõi khi ra tay thì bắt được. Theo quy chế, như vậy là không đúng, nhưng thực ra, việc bắt giữ tội phạm này về pháp luật thì không sai”.
Quy chế có trói tay "hiệp sĩ" ?
Thượng tá Thanh phân tích: Mọi công dân đều có thể bắt quả tang các hành vi phạm tội, điều này luật pháp cho phép. Nhưng khi thực hiện, cũng cần có báo cáo. “Khi còn làm việc với anh em "hiệp sĩ", tôi cũng đã từng nhiều lần bàn, là chúng ta đến địa bàn nào thì phối hợp với địa bàn đó, thông báo cho địa bàn đó, không có gì sai hết”, ông Thanh nói.
Theo thượng tá Thanh, để tạo điều kiện cho các “hiệp sĩ” mở rộng địa bàn hoạt động, phát huy tính tích cực, cần phải tạo hành lang pháp lý để cho “hiệp sĩ” hoạt động.
Cụ thể là phải ký kết liên ranh giữa các tỉnh, thành giáp ranh với nhau. Ông Thanh nói: “Hiện nay tội phạm hoạt động rất đa dạng, nguy hiểm, không còn bó trong một phường, một xã nào, vì vậy phải ký kết liên ranh để mở rộng hoạt động của các CLB Phòng chống tội phạm…”
Sáng cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Thanh Hải cho biết anh vẫn mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xem xét lại quy chế hoạt động của các CLB Phòng chống tội phạm.
Anh Hải nói: “Bây giờ người dân ở Bình Dương bị mất xe như vậy, người ta đến nhờ, thấy định vị xe ở địa phương khác, có thể bắt, thu hồi được, không lẽ không giúp dân?.”
Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Hải cũng khẳng định làm giúp người dân là chính, nhất là những người công nhân từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương làm ăn nhưng bị trộm mất chiếc xe máy là phương tiện đi lại, nên anh cố gắng tìm lại cho họ, không xin bất cứ tiền bạc gì.
Anh Hải khẳng định đến nay anh đã tham gia bắt, làm rõ được 3.600 vụ việc trộm cắp, cướp giật, phạm pháp… được tặng 700 bằng khen, giấy khen các loại.
Liên quan đến mô hình, quy chế hoạt động của các đội "hiệp sĩ đường phố" trên địa bàn tỉnh Bình Dương, sáng 14.10, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương để tìm hiểu thêm, theo lịch hẹn trước.
PV Thanh Niên đã được hướng dẫn đển Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Dương để hoàn tất các thủ tục gửi trước câu hỏi qua mail, sau đó gửi bằng văn bản chính thức, để Phòng tham mưu làm “đề xuất trả lời" chuyển lãnh đạo.
|
Bình luận (0)