Hiểu biết ít thôi và nghe ngóng ít thôi!

23/03/2015 10:00 GMT+7

Nếu phát ngôn không căn cứ hoặc không có căn cứ vững chắc, thì sẽ có thể phạm vào cái tội vu cáo, vu khống, thậm chí chống đối. Cái mình được thì rất chung chung, mơ hồ. Còn cái mất thì lại rõ ràng quá và nhiều tiền lệ quá.

Nếu phát ngôn không căn cứ hoặc không có căn cứ vững chắc, thì sẽ có thể phạm vào cái tội vu cáo, vu khống, thậm chí chống đối. Cái mình được thì rất chung chung, mơ hồ. Còn cái mất thì lại rõ ràng quá và nhiều tiền lệ quá.

Đại công trường lấn sông Đồng Nai vẫn tiếp tục được thi công, bất chấp ý kiến phản đối của công luận và dư luận - Ảnh: Bạch Long
 
Hôm qua tôi hỏi chồng mình: Sao có vẻ yên ắng thế, về câu chuyện dòng sông bị lấp ấy?
Chồng tôi bảo: Đâu, đang sôi lên đó mà!
Tôi căn vặn: Không, em muốn hỏi sự yên ắng của bên kia cơ!
Chồng: À! Chắc đang chuẩn bị!
Chuẩn bị gì, những người dân như tôi và bạn không thể biết hết được. Nhưng, cái mà tôi biết chắc, là những gì họ chuẩn bị sẽ là những cái một người dân như tôi, như bạn phải được biết, phải được nghe từ rất lâu trước khi mặt nước đục ngầu lên bởi đất đá như thế kia!
Nhưng, người dân không biết, không biết hết và không biết rõ.
Tôi cũng không biết, không biết hết và không biết rõ.
Và cũng như bao nhiêu người dân khác, tôi và bạn không dám lên tiếng chính thức. Vì sao ư?
Vì, nếu phát ngôn không căn cứ hoặc không có căn cứ vững chắc, thì sẽ có thể phạm vào cái tội vu cáo, vu khống, thậm chí chống đối. Cái mình được thì rất chung chung, mơ hồ. Còn cái mất thì lại rõ ràng quá và nhiều tiền lệ quá.
Thế mới thấy, vì sao chúng ta với tư cách người người tiêu dùng, cảm thấy mình bị lừa đấy, bị ăn cướp đấy, mà vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Vì dân gian đã bảo là, rất nhiều khi “được vạ thì má đã sưng", và “vô phước mới đáo tụng đình”. Và cũng vì, muốn kêu lắm, muốn đòi công bằng lắm, nhưng không biết rõ mình có thật là người “đúng” không và không biết đường đi nước bước như thế nào cho an toàn. Kẻo lại, “tiền thì mất thêm, mà tật thì nặng hơn!”
Những người dân như tôi không dám lên tiếng vì, chúng tôi không đủ hiểu biết như các nhà khoa học, mà đo lường, mà phân tích, mà đánh giá mà khẳng định; chúng tôi cũng không đủ thông tin như những nhà quản lý, để cân nhắc thiệt hơn, để biết là nên hay không nên. Những người dân như chúng tôi, thường thì “mưa móc đến đâu, biết đến đó!”.
Do vậy, những ngày này, quán ven sông có vẻ đông đúc hơn. Người ta đi nhậu, đi uống cà phê không phải chỉ vì bia rượu và cà phê, mà vì muốn nhìn dòng sông lần cuối, để cảm và xót theo cách riêng của mình.
Chủ quán luôn miệng xin lỗi khách hàng, vì nỗi, chuyện dải đất xám trải dài ngoài kia không phải do lỗi của chủ quán, tiếng sóng ì oạp vỗ vào bờ không còn nữa cũng hoàn toàn ngoài ý muốn của cư dân dọc bờ sông này.
Chỉ thế thôi, chỉ biết thở dài và càm ràm với nhau vậy thôi. Mỗi người đau lòng một cách và theo cấp độ gắn bó của mình với dòng sông ấy, với khúc sông kia.
Chúng ta hiểu biết không nhiều và thông tin quá ít. Và vì thế, chúng ta đang kém dũng cảm và ngày một trở nên hèn nhát hơn.
Và hình như, cũng không nhiều người muốn những người dân hiểu rõ hơn và nghe thấy nhiều hơn. Bởi nếu người dân hiểu nhiều và nghe rõ, thì có vẻ như mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn, nhiều dự án rất có thể sẽ kéo dài hơn hoặc sẽ bị ngưng trệ, đình chỉ!
Hiểu biết ít thôi và nghe ngóng ít thôi! Sẽ an toàn, phải không? Cho bạn, cho tôi nữa.
Nhưng, sự an toàn ấy không đảm bảo là sẽ không xảy ra bi kịch? Có lẽ là không.
Ít nhất, như hôm nay, bi kịch đang diễn ra trong nội tâm tôi đây. Bi kịch của một người chợt nhận ra mình đang trở nên hèn nhát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.