Thời gian qua, chuyển đổi số đã trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo mà Chính phủ cùng nhiều bộ ngành liên quan đang tăng cường xây dựng và phát triển, bởi đây là một xu thế chung của thế giới. Lợi ích của việc chuyển đổi số thì đã quá rõ ràng, không chỉ hệ thống hóa một cách hiệu quả các dữ liệu mà còn giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch… Qua đó, từ nền tảng cơ bản là hệ sinh thái số cho công dân để tiến tới chuyển đổi số toàn diện, cơ quan chức năng có thể nâng cao hiệu quả làm việc, người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích, doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh nhờ thủ tục hành chính thông suốt... Chính vì thế, càng chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả chừng nào thì càng sớm gặt hái nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, như Thủ tướng nêu ra trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra ngày 8.8, việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế như chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả; tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất… Và giải pháp cho việc giải quyết hạn chế, nâng cao hiệu quả chính là phải hoàn thiện cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số nhằm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, đo lường và định lượng những chỉ tiêu đề ra một cách chính xác đối với các bộ, ngành, địa phương.
Hơn 1 năm trước, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 76 về Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 76 là tinh gọn hệ thống hành chính, năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Như thế, việc thực hiện Nghị quyết 76 và việc thực hiện chuyển đổi số có tác động tương hỗ, gắn liền kết quả với nhau.
Từ thực tế vừa nêu, chúng ta nên có một cơ chế đánh giá gắn chặt quá trình chuyển đổi số với Nghị quyết 76 bằng những thước đo có tính định lượng cụ thể, chi tiết. Ví dụ, không chỉ tinh giản thủ tục hành chính mà còn là tỷ lệ chuyển đổi số trên số lượng thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc đánh giá không chỉ giới hạn ở từng bộ ngành, mà còn phải đánh giá cả kết quả liên thông, phối hợp, chia sẻ và kết nối giữa các bộ ngành nhằm tạo sự thông suốt, liền mạch trong toàn hệ thống.
Chỉ khi có đánh giá và đo lường đầy đủ, khách quan, toàn diện quá trình chuyển đổi số ở các bộ ngành thì mới đảm bảo hiệu quả thành công của hệ sinh thái số cho công dân.
Bình luận