Câu chuyện bắt đầu từ năm 2018, sau khi về đích xã nông thôn mới, để giữ sạch đường làng và đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền xã Quỳnh Đôi đã ban hành quyết định quản lý chó nuôi, quy định rất chi tiết về cách thức thực hiện, từ việc vận động người dân tự giác nuôi nhốt chó, đến bắt giữ chó thả rông ngoài đường để xử phạt hành chính chủ nuôi, tiêu hủy chó nếu chủ nuôi không đến nhận… Trước khi thực hiện quy định này, chính quyền xã đã phổ biến đến mọi gia đình trong xã, phân tích lợi ích của việc quản lý chó: đường làng sẽ không còn bị chó phóng uế, không sợ bị chó tấn công, không sợ chó dại, không còn nạn trộm chó…
Hơn 1 năm sau, quy định này được áp dụng. Chó thả rông không đúng quy định bị lực lượng chức năng tuần tra bắt về trụ sở công an xã để xử lý. Sau 24 giờ thông tin trên loa truyền thanh xã, nếu chủ nuôi không đến nhận thì xã sẽ lập biên bản, cho tiêu hủy chó. Mức xử phạt cho mỗi lần thả rông chó sai quy định là 700.000 đồng (áp dụng theo Nghị định 90/2017) và sau đó tăng lên 1.500.000 đồng (áp dụng theo Nghị định 04/2020).
Ngoài tuần tra, việc tận dụng camera an ninh của nhà dân và công an, ghi hình bằng điện thoại cũng được sử dụng làm cơ sở phạt nguội khi chủ nuôi để chó chạy rông ngoài đường. Nhờ đó, đến nay người dân xã này đã thực hiện rất nghiêm túc việc quản lý chó nuôi. Chó không còn thả rông nên nạn trộm chó cũng biến mất, làng quê trở nên yên bình hơn.
Trong thời điểm chó thả rông đang gây lo ngại cho nhiều người, thì mô hình quản lý chó nuôi ở một xã nông thôn như Quỳnh Đôi rất đáng được khuyến khích, nhân rộng. Thành công trong quản lý ở đây không chỉ bằng sự khéo léo, quyết liệt của chính quyền mà còn là sự đồng lòng, chung tay của người dân. Tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định của chính quyền là hành vi ứng xử văn minh, tôn trọng cộng đồng.
Bình luận (0)