|
"Tôi phải là nhất"
Quỳnh Anh, học sinh (HS) lớp 11, Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), cho biết trong lớp có nhiều bạn lúc nào cũng muốn hơn người khác bất kỳ mảng nào: từ học tập, chơi thể thao đến cả thói sành điệu. "Nỗ lực đua nhau trở thành người học giỏi nhất lớp thì không nói, không ít bạn còn so kè mẫu mã, nhãn hiệu của điện thoại, quần áo với nhau", Quỳnh Anh nói thêm.
Văn Thịnh, HS lớp 12 Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), kể ở lớp thường xuyên diễn ra cảnh hỏi điểm nhau những lúc phát bài kiểm tra. "Nhiều bạn luôn đặt mục tiêu "tôi phải là nhất", nên khi chỉ được 9 điểm trong lúc có người 10 điểm là cau có, tỏ vẻ thất vọng tột cùng", Thịnh nhớ lại.
Khá nhiều chia sẻ tương tự của HS về tính hiếu thắng. Không chỉ trong học tập mà cả những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, những sự việc gây gổ đánh nhau... cũng liên quan đến vấn đề này.
Phan V., HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), không ngần ngại tự nhận bản thân "rất hiếu thắng" và cho đó là tính tốt. "Vì nhờ vậy nên tôi có được sự tự tin và quyết tâm, cố gắng vượt bậc để được bạn bè nể trọng và khâm phục", V. lý giải.
Chung quan điểm, Ngọc Trâm, HS lớp 10 Trường THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM), nói: "Hiếu thắng không có gì sai, tính này là cần thiết, giúp mình có thêm động lực để tiến bộ. Chứ học "sao cũng được", giỏi thì tốt mà dở cũng không sao thì chán lắm".
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng tính này không tốt nếu không kiềm chế được bản thân. "Người quá hiếu thắng sẽ luôn cho mình là đúng và ít khi nào chấp nhận thất bại. Nhưng chính điều đó đã là thất bại”, Thanh Nguyên, sinh viên (SV) Trường ĐH Hoa Sen, phân tích.
Quốc Quân, SV Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, từng là “người trong cuộc”, cho biết chính vì tính hiếu thắng của mình nên đã khiến tình yêu tan vỡ, làm mất đi nhiều người bạn. "Không phải lúc nào mình cũng đúng, sẽ có lúc sai lầm. Không bao giờ luôn là nhất được. Bản thân giỏi nhưng sẽ có người giỏi hơn, nên đừng quá hiếu thắng", Quân chiêm nghiệm.
Trước những ý kiến trái chiều như thế nên nhiều bạn trẻ lăn tăn về cái ngưỡng của hiếu thắng và điều đó là dễ hiểu.
Chế ngự bằng cách nào ?
Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty giáo dục DeltaViet, nhận định tính hiếu thắng là "bệnh" của không ít người trẻ, đặc biệt là HS, SV. Ông dẫn chứng hàng loạt biểu hiện của tính hiếu thắng thường gặp trong lứa tuổi này như: nhiều HS cố gắng khẳng định cái "tôi" của mình trong việc ăn hiếp bạn bè, sẵn sàng ẩu đả tơi bời để thể hiện là mình "ngon lành" dẫn đến bạo lực học đường; cay cú trong thi đua học tập, nếu không được điểm giỏi, điểm tốt nhất thì cảm thấy bực tức, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn, hành vi xấu để đạt được điểm cao nhất... Hay trào lưu "chụp ảnh khoe, ai chê thì chửi", trong đó con gái chụp hình "khoe hàng", con trai thì khoe của để thể hiện cái "tôi" của mình, thể hiện mình hơn hẳn so với bạn bè. Nếu ai chê bai thì... mắng xối xả.
Theo ông Minh, nếu không biết giới hạn, tính hiếu thắng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Không chỉ tự chuốc vạ vào thân, khiến mọi người xung quanh không có thiện cảm về mình, mà còn có thể dẫn đến những hành vi như: sẵn sàng đánh nhau với bạn bè, không ngại thể hiện bản lĩnh là dám ăn trộm, ăn cướp, hút chích...
Lý giải nguyên nhân, ông Minh cho rằng vì người trẻ có những suy nghĩ chưa chín chắn, dễ bị ảnh hưởng bởi xung quanh. Đặc biệt việc ba mẹ kỳ vọng vào con cái quá nhiều, đặt mục tiêu kiểu như "phải đứng nhất lớp, phải đạt giải kỳ thi này kỳ thi kia...” vô tình khiến họ bị áp lực bằng mọi cách phải đạt được kết quả đó.
“Để chế ngự bớt tính hiếu thắng, qua đó chữa dứt "bệnh" này không khó”, ông Minh nhận định và hướng dẫn: "Phải học kỹ năng quản lý cảm xúc, biết kiềm chế mình lại, tránh xa môi trường xấu. Với phụ huynh và giáo viên, đừng nên tạo áp lực cho trẻ nhiều quá, hãy để trẻ phát triển theo đúng những gì bản thân trẻ thật sự muốn, đúng với tiềm năng của trẻ. Sau đó thì giáo dục cho trẻ về tác hại của tính hiếu thắng và giúp trẻ biết nên ứng xử sao cho phù hợp".
Bình luận Nguyễn Thị Kim Cương
Trần Nguyễn Mai Thy
Hoàng Phú Bình Nhật Hạ |
Nhật Hạ - Trâm Anh
>> Nâng cao văn hóa ứng xử trong hành nghề xích lô
>> Ứng xử trên mạng
>> Ứng xử văn minh
>> Nơi dạy học trò cách ứng xử
>> Một bài học ứng xử với di tích
>> Ứng xử với thú rừng
Bình luận (0)