Hình bóng quê nhà ở Tây Ban Nha và Romania

10/02/2024 16:45 GMT+7

1. Cách đây không lâu, có độc giả nhắn tin cho tôi, sao những bài viết du ký của anh lúc nào cũng chung một mô típ: đi đến thành phố hay đất nước nào đó là tìm món Việt để ăn. Riết thấy nhàm.

Tôi cũng không biết phải trả lời thế nào, vì bạn ấy sống ở Việt Nam, được ăn món quen mỗi ngày, thỉnh thoảng có du lịch đó đây nhưng cũng không đến nỗi thèm đồ quê. Tôi thì khác. Thời gian sống ở Mỹ đã hơn hẳn 18 năm sống ở quê nhà. Nhưng gốc gác, hồn vía của tôi vẫn là gã đàn ông Việt. Mỗi khi đi đâu đó, nghe mùi phở hay nước mắm từ xa, như phản xạ không điều kiện, tôi phải tìm tới tận nơi để thưởng thức cho bằng được, dẫu hương vị không giống ở nhà.

Hình bóng quê nhà ở Tây Ban Nha và Romania- Ảnh 1.

Lá cờ tổ quốc được treo trên tường ở Es Vietnam

ảnh: NGUYỄN HỮU TÀI

Trên chặng hành trình khắp 50 bang Mỹ và hơn 100 quốc gia của mình, để tìm đồ Việt ăn ở Pháp, Ý, Úc hay Mỹ thì đó là chuyện dễ òm, như lấy đồ từ trong túi. Nhưng ở những đất nước xa lạ hơn như Romania, Tây Ban Nha, Bulgaria, Slovakia, Peru, Ecuador hay thậm chí Nicaragua, El Salvador, với tôi, đó là chuyện vô cùng thú vị.

Năm nay, tôi về Việt Nam 6 lần, đi được 14 nước. Nghĩa là có dịp thưởng thức món ăn Việt ở nhiều quốc gia khác nhau. Ngoại trừ Nicaragua, quán đóng cửa vì thứ bảy họ về sớm, thì những quốc gia còn lại cảm giác khá bình thường. Riêng Romania và Tây Ban Nha thì đặc biệt hơn, bởi ngoài món quen, tôi lại tìm thấy hai thứ vốn là linh hồn tổ quốc.

2. Đầu tháng tám, từ thủ đô Washington D.C, tôi đổ đường gần 20 tiếng đồng hồ, sau 2 chặng bay khá dài, quá cảnh ở Frankfurt (Đức), mới tới thủ đô Bucharest của Romania. Tôi chọn đi Romania để thăm lâu đài Bran, khám phá vùng đất Transylvania gắn liền với ác quỷ Dracula. Nhưng đời không như mơ. Lâu đài ám ảnh giữa nền trời cao thu hút hàng triệu du khách mỗi năm hóa ra cũng chỉ là một huyền thoại khá nhạt nhòa để... lôi kéo khách.

Romania từng nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) nên thức ăn khá nặng mùi bởi nhiều gia vị. Người Romania thích ăn thịt heo và xúc xích. Nhìn chảo thịt chiên to đùng, mỡ sôi sùng sục tự nhiên thấy ớn ngang. Để chống lại cơn ngán, tôi phải ăn rất nhiều bắp cải chua kèm vào. Ngày thứ ba, tôi sang nước láng giềng Bulgaria, thì họ lại ăn nhiều bơ, sữa, bánh mì và đặc biệt hầu như món gì cũng rắc cả đống muối. Ăn mặn như tôi mà còn thấy ớn lạnh.

Hình bóng quê nhà ở Tây Ban Nha và Romania- Ảnh 2.

Quầy tính tiền đậm chất quê nhà ở nhà hàng Es Vietnam

Khách sạn tôi ở ngay quảng trường Cách Mạng (Revolution Square). Từ đó vào phố cổ chỉ hơn 5 phút đi bộ. Tôi google thử xem có đồ Việt ở đây không, dù chẳng trông đợi gì nhiều khi 4 ngày đi lang thang không thấy nổi một nhà hàng Tàu hay Hàn Quốc. Thật may mắn, tôi tìm được không những một, mà tới 2 nhà hàng "Toàn - Ẩm thực Việt Nam" (có dấu đàng hoàng nha) gần đó. Thế là phải đến ngay. Nhà hàng nằm ngoài trung tâm phố cổ. Tôi đã đi bộ ngang qua mấy lần mà không để ý. Khách khá đông. Hai nhân viên phục vụ tiếp tôi bằng tiếng Anh. Tôi trả lời bằng tiếng Việt. Họ khá ngạc nhiên, chắc không nghĩ người Việt lại rảnh chân tìm tới đất nước xa xôi, khá nghèo trong EU để du lịch.

Cậu trai trẻ đưa tôi cuốn catalog màu sắc thiệt đẹp với hình ảnh bắt mắt giới thiệu về chef Toàn và 2 đặc sản bánh mì với phở Việt Nam. Đặc biệt, tên món ăn tiếng Việt có dấu, nằm hàng đầu tiên, kế đó tiếng Romania và tiếng Anh nằm cuối. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi cũng làm tôi xúc động quá trời, khi chủ quán đã trân trọng món ăn và ngôn ngữ quê hương mình đến thế.

Như kẻ thèm thuồng món quê, tôi gọi tô phở bò, đĩa cơm thịt kho, ly nước dừa kèm mấy cái bánh cam giòn rụm. Một lần nữa, cậu bé lại nhìn tôi với vẻ mặt khó tả và hỏi nhỏ: "Anh đi một mình?". Tôi bảo "đúng rồi em" rồi cười to. Chắc bạn ấy sợ người nhỏ con như tôi không ăn hết thì hơi phí. Tô phở nạm đầy hành ngò được bưng ra trước. Sau đó mới tới đĩa cơm. Tôi xin thêm một chén ớt đông lạnh xắt nhỏ vì thích ăn cay. Phở và cơm hơi nhạt, không vừa khẩu vị với người miền Trung như tôi. Nhưng không sao, vừa ăn cơm kèm thịt kho rất mềm, trứng chiên sơ rồi kho với mớ bắp cải chua chua, húp miếng nước phở thơm lừng làm canh, cảm giác những bữa ăn đầy thịt heo nặng mùi, chán ngấy bữa giờ không bằng một góc.

3. Cuối tháng 11, không khí Giáng sinh bao trùm khắp cả châu Âu. Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đông kín người đi xem đèn điện lấp lánh trên những cây thông xanh và các khu chợ Noel bán đầy vòng lá thơm lừng mùi rừng núi. So với phần lớn châu Âu, người Tây Ban Nha sống thảnh thơi, biết hưởng thụ cuộc sống và đặc biệt rất thích ăn ngoài. Hai ngày lang thang ở đây, dù bị móc túi mất hơn 200 euro, nhưng tôi vẫn thích ra đường, cảm nhận cuộc sống khá chậm rãi. Mùa này cũng vắng khách du lịch, nhưng cà phê hay quán ăn nào cũng đông nghẹt dù có cái nằm tít trong hốc kẹt. Chúng tôi bảo ở đây không có nhà hàng nào ế, mà chỉ có chỗ đông khách hơn thôi.

Hình bóng quê nhà ở Tây Ban Nha và Romania- Ảnh 3.

Bên ngoài quán Es Vietnam ở Madrid, Tây Ban Nha

Người Tây Ban Nha ăn tối rất trễ. Nhà hàng thường mở từ trưa tới chiều, sau đó đóng cửa rồi khoảng 7 giờ tối mới mở lại tới khuya. Ngay đêm đầu tiên vừa tới Tây Ban Nha, tôi đã rủ hai người bạn chung hành trình đi ăn đồ Việt. Thắng với Cường bay từ Việt Nam sang Paris (Pháp), rồi ghé Barcelona. Hôm nay đã 7 ngày chưa có món quen vào bụng nên nghe 2 chữ đồ Việt, cả hai hưởng ứng liền cái một.

Chúng tôi theo Google Maps len lỏi giữa dòng người đông đúc, đi qua những góc phố lát đá dọc ngang, trong tiết trời se se gió lạnh, cứ ngỡ hồn vía của lịch sử ngàn năm đang thấm đẫm hồn mình. Đẩy cửa bước vô, nhà hàng Es Vietnam (với chữ S cách điệu bằng bản đồ đất nước), đã thoang thoảng mùi hồi quế của phở xứ mình. Do còn sớm nên quán khá vắng, ngoại trừ 2 chàng Tây ngồi trong góc và 5 bạn Việt Nam nói giọng Nghệ An đặc sệt thì chỉ có 3 chúng tôi. Hai cô nhân viên người bản xứ thiệt dễ thương tới phục vụ. Ngay trang đầu tiên là "Menu 3 miền" với phở Bắc, mấy món cuốn miền Trung và bún bò Nam bộ kèm 2 chai bia Sài Gòn xanh. Không cần lựa chọn, chúng tôi chỉ vào thực đơn đó khi 3 anh em chúng tôi cũng từ Hà Nội, Khánh Hòa với Sài Gòn tụ họp.

Tôi nhìn quanh quán, hình ảnh sông Hương, cầu Tràng Tiền, hồ Gươm, chợ nổi Cần Thơ, chợ Bến Thành, nón lá, áo dài... được treo trên bức tường bằng gạch chưa tô gợi lên cảm giác thân quen quê nhà. Và thiêng liêng hơn, lá cờ đỏ sao vàng, rực lên vẻ hào hùng của Việt Nam, được kiêu hãnh treo trên đất khách.

Từng mâm thức ăn được dọn lên. Hai cô phục vụ đọc tên món bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng. Sau đó xài tiếng Anh chỉ chúng tôi gỏi cuốn hay chả giò phải chấm với nước mắm nào. Phở thì ăn ra sao. Bún bò Nam bộ thì đổ nước mắm vào xong trộn. Tụi tôi giả đò như không biết gì, luôn miệng cảm ơn về sự nhiệt tình của hai cô ấy. Cường bảo, bữa giờ đi ăn toàn món Tây em ngán quá trời. Ăn đồ Việt ngon gì đâu. Dẫu phở chỉ có giá và bắp cải làm rau. Bún bò Nam bộ đầy đủ gia vị, rau củ và cả đồ chua với mấy miếng thịt heo ướp sả nướng thật vừa. Chả giò, gỏi cuốn, chạo tôm hơi nhiều dầu nhưng giòn rụm và dẻo mềm trong miệng.

Giữa trời lạnh xứ người, húp được miếng phở ngon, bỗng nghe vị quê hương rưng rưng trên đầu lưỡi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.