Hộ khẩu và chính sách nhân tài

03/09/2014 00:59 GMT+7

Để đáp ứng nhu cầu tuyển người có năng lực vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, TP.HCM vừa tuyên bố bỏ điều kiện hộ khẩu thường trú khi dự tuyển công chức, viên chức thành phố. Đây là một thông tin đáng mừng. Mừng vì cuối cùng, “chủ nghĩa hộ khẩu” đã không còn là rào cản, cản trở một nơi năng động như TP.HCM tuyển dụng nhân tài; mừng vì sẽ có nhiều người hơn có cơ hội trở thành viên chức, công chức TP mang tên Bác.

Tuy vậy, hiện nay vẫn còn rất nhiều tỉnh, thành phố (trong đó có thủ đô Hà Nội) đặt điều kiện “hộ khẩu” khi tuyển dụng công chức, viên chức, trong khi luật Cán bộ, công chức (năm 2008), luật Viên chức (năm 2011) và các văn bản dưới luật không có quy định nào bắt buộc những người được tuyển làm viên chức, công chức phải có hộ khẩu tại địa phương đó.

Và điều này cũng lý giải một phần, tại sao chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài, với mục tiêu là xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả của Chính phủ lại vật vã đến như vậy ở các địa phương. Có quá nhiều ràng buộc khiến việc thu hút nhân tài không thể được thực hiện. Hộ khẩu vốn là một phương thức quản lý dân cư đã quá lạc hậu, lại vẫn còn được đem ra để hạn chế quyền thi tuyển của người lao động. Về nguyên tắc, trong nền công vụ thì tất cả những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đều phải có cơ hội trở thành công chức, viên chức nếu có nhu cầu. Điều kiện hộ khẩu đối với thí sinh dự thi sẽ mâu thuẫn với chính sách nhân tài. Nhưng không hiểu vì sao, rào cản này thực tế vẫn đang tồn tại ở nhiều địa  phương. Hy vọng sau TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng nhìn nhận lại, trên con đường thực hiện chủ trương thu hút nhân tài của mình.

Các địa phương đều đề cao thu hút, trọng dụng nhân tài, nhưng chính sách thì bằng không. Đã là nhân tài thì chế độ đãi ngộ phải thực sự tương xứng. Trong khi trên thực tế nhân tài cũng chỉ được chế độ đãi ngộ thấp hơn nhiều khu vực dân doanh, hoặc thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đã là nhân tài thì phải đề cao chất xám, trình độ, khả năng thực tế, chứ không phải ở điều kiện hộ khẩu hay bằng cấp. Việc đánh giá nhân tài chỉ qua bằng cấp như hiện nay cũng khá bất cập. Nó làm mất cơ hội của nhiều người tài thực sự, nhưng lại thuận lợi cho nhiều quan chức muốn “con ông cháu cha” mình có được một công việc tốt trong các cơ quan nhà nước.

Nếu thực sự muốn thu hút nhân tài, thì ngoài việc cải thiện chế độ đãi ngộ, việc đầu tiên là phải loại bỏ những rào cản về thủ tục khiến người tài nản lòng đã.

Đồng Nhân

>> Nhiều thủ khoa trượt sát hạch công chức thủ đô
>> Tiến sĩ ở Tây trượt kỳ thi công chức Việt
>> Thạc sĩ 'tây' thi trượt công chức trường Amsterdam là bình thường
>> Rồng rắn thi tuyển công chức
>> Chen nhau xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.