Câu lạc bộ chấn thương cột sống Việt Nam (tên tiếng Anh: VSIC club) được thành lập ngày 3.10.2018. Trụ sở chính đóng ở Hà Đông, Hà Nội nhưng trên thực tế thì chủ yếu là hoạt động online. Thành viên câu lạc bộ là những người khuyết tật chấn thương cột sống trên khắp cả nước.
Những người bị chấn thương cột sống tuy giống nhưng cũng rất khác những người khuyết tật khác ở chỗ họ bị mất cảm giác và nhiều việc không thể tự chủ, đơn giản như vệ sinh cá nhân cũng cần phải có những biện pháp hỗ trợ. Vì thế tôn chỉ và mục đích của câu lạc bộ là tạo một nơi giao lưu cho những người đồng cảnh ngộ, để họ được cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ bản thân và cách để vượt qua mặc cảm, sống hoà nhập hơn với cộng đồng.
Nguyễn Tuấn Anh là một trong những thành viên tích cực của câu lạc bộ. Cậu là phó chủ nhiệm phụ trách khu vực các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận kiêm phụ trách quỹ thuốc của hội.
|
Vượt qua nỗi đau, giúp đỡ người khác
Tuấn Anh sinh năm 1989, người Quy Nhơn, từng là sinh viên khoa Sinh trường Đại học Huế. Trong một ngày giông gió, một tai nạn đổ cây đã biến cậu sinh viên năm cuối thành một phế nhân. Sốc và suy nghĩ tiêu cực là điều không thể tránh khỏi trong trường hợp này. Cũng may, cậu còn có người thân yêu thương và giúp cậu dần bình tâm trở lại. Đặc biệt là cô bạn gái vẫn chung thuỷ đợi chờ cậu suốt 5 năm sau tai nạn.
Nhưng rồi cuối cùng chính Tuấn Anh lại buông tay vì không muốn làm khổ bạn gái, không muốn cô ấy bỏ lỡ tuổi xuân đợi chờ trong vô vọng. Bởi lẽ đã qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật cả cấy ghép tế bào gốc rồi vật lý trị liệu, cậu cũng không thể tự đi lại được, cũng không có khả năng làm một người đàn ông thực sự. "Em à! Anh cũng sẽ không đến dự đám cưới của em đâu! Anh không muốn mọi người nhìn anh mà nghĩ xấu về em, cũng không muốn làm em khó xử. Anh sẽ chúc phúc cho hai người", Tuấn Anh đã nói như thế với người yêu cũ khi cô ấy đưa thiệp cưới.
Tôi thực sự xúc động trước một câu chuyện tình yêu như thế. Mặc dù cái kết không có hậu nhưng họ đã chia tay trong sự tôn trọng và những suy nghĩ tốt đẹp về nhau.
Gần 10 năm trôi qua sau tai nạn, Tuấn Anh vẫn miệt mài tập luyện để nếu như không thể hồi phục lại các chức năng thì chí ít cũng không làm cho tình trạng hiện tại trở nên xấu đi. Cậu đã tự học tiếng Anh và đạt đến trình độ có thể dịch được các tác phẩm nhạc và văn học thì thực sự đó là một ý chí đáng nể. Hiện tại Tuấn Anh đang sống khá vui vẻ cùng với cha mẹ và sở hữu vườn lan tự trồng thi thoảng cũng cho một khoản thu nhập nho nhỏ.
“Tôi đã giàu đâu mà làm từ thiện” hay “Tôi có khỏe đâu mà giúp đỡ người khác”, đấy là những câu cửa miệng mà người ta hay nói để bao biện cho hành động của mình. Những thành viên của câu lạc bộ chấn thương cột sống không hề “giàu” và tất nhiên họ không thể khoẻ bằng người bình thường. Nhưng họ đã chia sẻ và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ bằng chính những gì họ đã trải qua.
Cũng có những nhà hảo tâm tài trợ cho câu lạc bộ, ví dụ tặng laptop, loa kéo, máy tính bảng hay micro livestreams nhưng quỹ để duy trì hoạt động chủ yếu vẫn do thành viên tự đóng góp. Hơn ai hết những người bị chấn thương cột sống hiểu rõ vấn đề lớn nhất của họ là những vết loét. Bởi vì bị mất cảm giác nên có người đã để tình trạng quá nặng, nhiễm trùng máu và tử vong vì loét chứ không phải vì chấn thương cột sống.
Trước tình hình đó những thành viên tâm huyết của hội như Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Thanh Sơn, Lê Hà... cùng chủ nhiệm câu lạc bộ Phạm Xuân Thanh đã thành lập nên quỹ thuốc, chủ yếu là thuốc chữa loét để giúp đỡ miễn phí cho những thành viên có hoàn cảnh khó khăn và chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc bản thân sau chấn thương. Tuấn Anh là người trực tiếp quản lý quỹ này, mua và gửi thuốc cho các thành viên, tư vấn, theo dõi vết thương cho các thành viên nhận thuốc của câu lạc bộ.
Bằng chính những gì mình đã trải qua, bằng chính những nỗi đau thầm kín mà mình phải chịu đựng cậu muốn giúp những người đồng cảnh giảm thiểu đến mức thấp nhất những hệ luỵ mà chấn thương cột sống mang lại.
Được nghe kể về câu lạc bộ, về những con người như Tuấn Anh, tôi rất ngưỡng mộ họ và đôi khi tự hổ thẹn vì chính bản thân mình dù khỏe mạnh và đầy đủ hơn cũng chưa thể làm được những điều như họ đã làm. Và qua bài viết nho nhỏ này tôi cũng tha thiết mong muốn rằng cộng đồng sẽ biết đến họ nhiều hơn, chia sẻ và cảm thông hơn. Bởi vì họ xứng đáng được tôn trọng và yêu thương.
|
Bình luận (0)