(TNO) Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chứng cứ về sự hiện diện của một hố va chạm cỡ lớn được hình thành sau vụ đụng độ nảy lửa giữa một thiên thạch lớn với trái đất hàng trăm triệu năm trước.
Với bề ngang 25 km, hố va chạm được đặt tên là hố thiên thạch Hoàng tử Albert.
Các chuyên gia chưa rõ thời điểm cái hố này hình thành, nhưng chứng cứ cho thấy tuổi của nó vào khoảng 130 - 350 triệu năm, theo thông cáo báo chí từ Đại học Saskatchewan (Canada).
Thiên thạch là những mảnh nhỏ của tiểu hành tinh hoặc sao chổi xâm nhập khí quyển với tốc độ cao. Hầu hết chúng có kích thước nhỏ, và chỉ có một số ít chạm đến bề mặt trái đất. Khi đâm xuống đất, chúng để lại những hố trũng sâu hay cạn, tùy thuộc vào kích thước của thiên thạch.
Đội ngũ chuyên gia địa chất học đã để mắt đến hố thiên thạch trên, nằm tại phần tây bắc đảo Victoria, trong lúc khảo sát khu vực Bắc Cực thuộc Canada nhằm tìm kiếm khoáng sản và các nguồn năng lượng, theo NBC News.
Hiện có khoảng 180 hố va chạm đã được định vị trên trái đất. Các chuyên gia cho rằng con số trên thực tế phải nhiều hơn nếu chúng không bị che lấp bởi hoạt động núi lửa, tình trạng xói mòn và những hoạt động của các đĩa kiến tạo.
Cách đây vài tháng, các chuyên gia đã ghi nhận hố thiên thạch có thể được liệt vào dạng lớn nhất và cổ nhất trong lịch sử địa cầu.
Nằm tại Greenland, nó có niên đại cách đây 3 tỉ năm, bề ngang hiện khoảng 100 km. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trước khi bị xói mòn, bề ngang của nó phải trên 500 km, vượt xa hố thiên thạch Vredefort, 2 tỉ năm tuổi, ở Nam Phi, đo được 300 km.
Hạo Nhiên
>> Hố thiên thạch xưa nhất Trái đất
>> Khủng long tuyệt chủng không chỉ do thiên thạch
>> Đánh bạt thiên thạch bằng "hòn sỏi không gian
>> Dùng khí cầu săn thiên thạch
Bình luận (0)