Hồ thủy lợi 'hút' doanh nghiệp đầu tư làm điện mặt trời

23/10/2019 15:33 GMT+7

Các hồ thủy lợi đang tạo ra sức hút rất lớn đối với các doanh nghiệp làm điện mặt trời và tuần nào Bộ NN-PTNT cũng nhận được hồ sơ , đơn đề nghị được nghiên cứu triển khai dự án sản xuất điện mặt trời.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại hội thảo điện mặt trời trên hồ thủy lợi, diễn ra tại Hà Nội sáng nay 23.10. Hội nghị có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, năng lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tiềm năng điện mặt trời từ các hồ thủy lợi tại Việt Nam đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo thống kê, với khoảng 7.000 hồ hiện có bao gồm diện tích mặt nước hàng triệu km3 thì những công trình này đặc biệt thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện mặt trời. Ước tính nếu để khai thác toàn bộ diện tích mặt nước hiện có thì công suất sản xuất điện mặt trời có thể đạt tới 15.000 MW.
Theo thông tin từ các nhà khoa học và doanh nghiệp, điện mặt trời trên hồ thủy điện đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Sức hút từ công trình thủy lợi đối với các doanh nghiệp năng lượng là chi phí đầu tư thấp do có mặt bằng sẵn, không tốn công giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, hiệu suất tạo ra điện năng từ các công trình thủy điện mặt trời trên mặt nước thường cho sản lượng điện cao hơn 10% so với nhà máy trên mặt đất.
Đại diện doanh nghiệp chuyên cung cấp về giải pháp năng lượng trên mặt nước, ông Đàm Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP năng lượng Quang Vũ, cho biết sản xuất điện mặt trời trên mặt nước hiện có nhiều công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, công trình nghệ có khả năng hạn chế sự bay hơi cũng như bảo tồn môi trường nước bằng cách giảm lượng bức xạ mặt trời tại vùng hồ chứa.
Cũng theo ông Đàm Quang Vũ, hệ thống công nghệ sản xuất điện mặt trời trên mặt nước doanh nghiệp này đang sử dụng có độ bền lên tới 20 - 25 năm, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường nước và không làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính.

Giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước 

Ông Nguyễn Tùng Phong, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi, cho rằng các nghiên cứu cho thấy, nếu làm điện mặt trời trên hồ thủy lợi có thể làm giảm lượng nước bốc hơi lên tới 30%. Các tấm pin mặt trời cũng hạn chế sự phát triển của tảo dưới đáy hồ nhưng bên cạnh đó cũng sản sinh ra một số vi khuẩn phát triển trên mặt hồ.
Theo ông Phong, tiềm năng điện mặt trời trên hồ thủy lợi là rất lớn và nếu cho phép làm cần có đánh giá tác động môi trường, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng nước hồ, đặc biệt là khi các công trình được đưa vào vào sử dụng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, khai thác điện mặt trời trên hồ thủy lợi là vấn đề rất mới tại Việt Nam và nhu cầu thực tế hiện nay là rất lớn, có thể cảm nhận dòng chảy làm điện mặt trời đang từ mặt đất chảy xuống các lòng hồ thủy lợi. Thống kê trong 3 tháng gần đây, trung bình mỗi tuần đều có ít nhất 1 hồ sơ, đơn, thư ngỏ đề nghị về việc cho phép, tạo điều kiện để nghiên cứu các dự án để sản xuất điện mặt trời. 
Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu để đảm bảo việc triển khai hiệu quả điện mặt trời trên các hồ chứa thủy lợi, cần có tính toán cụ thể đối với những hồ chứa đủ điều kiện để sản xuất điện mặt trời nhưng phải đảm bảo an toàn về môi trường, hiệu quả cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo an toàn trong quản lý vận hành, khai thác các hồ chứa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.