'Hộ tống' rùa về biển

24/10/2017 09:06 GMT+7

Những chú rùa mới chỉ vài giờ tuổi đã biết bươn mình trên bãi cát trắng phau của Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) để đi về phía biển. Chúng ra đi từ đây và nhất định sẽ quay lại, chỉ cần sống sót giữa đại dương mênh mông cho đến tuổi trưởng thành...

Cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm đã từng "đứng ngồi không yên" chờ từng lứa trứng rùa nở. Không phải chỉ vì thương hiệu rùa biển Cù Lao Chàm nhiều thập niên trước đã hồi sinh, mà ở một góc độ khác, nhờ truyền thông mà họ đã hiểu hơn về giá trị của loài sinh vật cổ đại xuất hiện trên trái đất từ kỷ Triassis, trên dưới 200 triệu năm trước. Nhưng loài này lại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu, có tên trong Sách Đỏ thế giới và Sách Đỏ VN ở danh mục cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Rùa mới mở mắt đã biết tìm về với biển
“Mong sẽ có con sống sót để quay về…”
Ông Trần Xá, tình nguyện viên (TNV) 60 tuổi của Đội cứu hộ rùa biển Cù Lao Chàm, thắc thỏm không yên khi trời có dấu hiệu trở gió. Ông lo cho những lứa rùa đang ấp sắp nở, ông chờ đợi để được tự tay nâng từng chú rùa con lên khỏi hố ấp, “hộ tống” chúng về với biển.
Những ngày này, câu chuyện rùa biển lại râm ran và nóng hổi ở Cù Lao Chàm. Nghe tin báo từ những hố ấp rùa đã bắt đầu sụt đất, các thành viên Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và những lão ngư tham gia vào đội TNV cứu hộ rùa biển lập tức có mặt ở khu vực ấp trứng Bãi Bấc. Ông Xá kể, ở đợt ấp đầu tiên, cả bầy 400 con mới nở cứ líu ra líu ríu dắt dìu nhau chạy về phía mép nước theo đúng bản năng của chúng. Vừa có thêm bầy con thứ hai ấp nở thành công và thả về biển hôm 9.10. “Mà lạ lắm, bầy rùa con ra tới nước là dừng lại. Chúng dành vài phút như để lắng nghe tiếng sóng, tiếng gió, rồi quay một vòng nhìn bốn phương tám hướng. Thương lắm, thiêng liêng lắm! Nhờ đặc tính định vị từ trường, rùa biển có khả năng quay về lại, dù chúng có đi đến tận đâu”, ông Xá nói. Nghe giọng ông, cứ ngỡ ông nói về những đứa con chuẩn bị rời đảo, xa quê.
Ông Xá đã cùng những lão ngư vào nhóm TNV bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm và được đi học hỏi quy trình chăm sóc, bảo vệ rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Nên khi mang trứng rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, các TNV đã thạo cách đào hố ấp trứng theo đúng quy trình mà rùa mẹ vẫn làm, rồi canh nhiệt độ hố ấp với nhiệt độ lý tưởng tầm trên dưới 30 độ C. Với rùa biển, nhiệt độ hố ấp quyết định giới tính của rùa con: nhiệt độ cao sẽ ấp ra con đực, nhiệt độ thấp cho ra con cái. Chính những lão ngư đã thay nhau làm “bà đỡ” cho rùa, chia ca canh giữ những hố trứng suốt ngày đêm. Mọi dấu hiệu thay đổi trong quy trình ấp trứng rùa đều được ghi chép lại tỉ mỉ...
Trực tiếp tham gia dự án bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm, ông Lê Vĩnh Thuận, Phó trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm không lạ gì về bản năng sinh tồn thú vị của loài rùa. Sau khi ngóc đầu nhiều lần “lắng nghe” tiếng sóng tiếng gió, bầy rùa biển bắt đầu ghép đàn và... cắm đầu bơi “bán sống bán chết” liên tục trên biển suốt 7 - 8 ngày liền không ăn không nghỉ. Năng lượng chúng có được chính là từ túi noãn dự trữ dưới bụng. Đàn rùa biển bơi nhanh để giảm hao hụt đàn trước sự tấn công của các loài địch hại... Ông Thuận kể, mấy anh em làm công tác bảo tồn đeo thiết bị lặn để bơi theo “tiễn” đàn rùa một đoạn, thấy chúng vừa nở đã bơi cật lực mà thương đứt ruột.
Mà tỷ lệ sống sót của rùa biển giữa đại dương mênh mông quá thấp, chỉ 1/1.000 con. “Đợt này về biển chỉ được 400 con. Mong sẽ có con sống sót để quay về…”, giọng anh Nguyễn Mạnh (nhân viên Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An) thấp dần và hơi nghẹn lại, khi đăm chiêu nhìn ra biển. Anh biết rằng, phải ngót 25 - 35 năm nữa, khi rùa biển đi khắp các đại dương và ước lượng di chuyển khoảng 2.600 km, đến mùa sinh sản đầu tiên chúng mới tìm về “quê cha đất mẹ”.
Bảo tồn “thương hiệu” rùa biển Cù Lao Chàm
Chuyên gia rùa biển Lê Xuân Ái có hơn 30 năm nghiên cứu rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo, nhưng ông chỉ vừa theo đuổi dự án bảo tồn rùa biển ở Cù Lao Chàm hơn 1 năm. Bằng quan sát và kinh nghiệm, ông Ái bảo Cù Lao Chàm là môi trường lý tưởng cho rùa biển sinh sôi và phát triển. Bãi cát dài, thêm quần thể san hô, cỏ biển, đầy đủ hệ sinh thái để rùa tìm kiếm thức ăn và cả ẩn nấp trước sự truy sát của địch hại.
Chuyên gia rùa biển Lê Xuân Ái vui mừng khi trứng rùa ấp nở thành công. Ảnh: Vĩnh Thuận
Khu vực ấp trứng rùa biển. Ảnh: An Dy
Cho đến khi rùa đẻ rớt trứng dưới nước và được người dân nhặt một tổ 30 trứng hồi đầu tháng 9.2017, công việc cứu hộ rùa và giành lại bãi đẻ cho rùa trở nên bức bách. Hơn ai hết, ông Lê Xuân Ái hiểu được đặc tính sinh sản của rùa. “Rùa đẻ “rớt” ở vùng biển này, chứng tỏ hơn 30 năm trước chúng đã nở và ra đi từ đây. Nghĩ tới cảnh rùa mẹ mang nặng đến ngày sinh nở nhưng tìm không ra chỗ đẻ, bởi bãi nào cũng có dấu chân người, và phải đẻ “rớt” khiến ai nấy đều thấy xót xa”, ông thở dài…
Hóa ra, cả 9 bãi ở Cù Lao Chàm từng có rùa biển đến đẻ trứng. Nhiều con rùa tầm khoảng 15 - 30 ký quanh quẩn quanh các rạn san hô để tìm thức ăn, rồi dính lưới ngư dân…
Trong vòng 2 năm trở lại đây, có gần 20 con rùa biển mắc lưới, 4 trường hợp được thả về biển, số còn lại không cứu được nên đưa về hiến tặng làm mẫu vật. “Sự xuất hiện của rùa biển cho thấy quần thể rùa biển vẫn tồn tại, minh chứng bằng tập tính quay về “quê mẹ” để đẻ của rùa. Có điều, khi du lịch phát triển, tàu thuyền ra vào nhiều, hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng và rùa cũng không còn nơi trú ngụ”, ông Ái nói.

tin liên quan

Chính thức hủy xử phạt và kỷ luật bác sĩ bị cho 'nói xấu' Bộ trưởng
** Sở Y tế xin lỗi, sẽ kiểm điểm cán bộ liên quan Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Thừa Thiên - Huế đã thừa nhận có vội vàng và chính thức hủy quyết định xử phạt hành chính đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện, người trước đó đã bức xúc viết trên Facebook của mình, chia sẻ ảnh Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Nhưng với những người yêu quý Cù Lao Chàm, không bao giờ là quá muộn. Gần 20 km2 diện tích mặt nước đã được giao cho cộng đồng dân cư tự quản, giữ gìn và khai thác chừng mực. Ông Lê Xuân Ái thốt lên: “Nhận thức về bảo tồn biển của cộng đồng dân cư ở đây rất tốt. Khảo sát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy có đến 97,1% người dân muốn phục hồi, bảo tồn không gian sinh thái biển cho rùa đẻ trứng và sinh sống”.
Con số 99% ấp nở thử nghiệm thành công trứng rùa chuyển vị từ Côn Đảo về cũng "tiếp lửa" cho nhiều người đang âm thầm giành lại bãi đẻ trứng cho rùa biển Cù Lao Chàm.
***
Lão ngư Trần Xá vẫn giữ thói quen lặn biển suốt hơn 35 năm qua, nên những đổi thay tích cực của hệ sinh thái biển từ độ sâu 1 - 50 m nước đều không thoát khỏi tầm mắt của ông, kể cả những tin báo xuất hiện rùa biển ở khu vực nào ông Xá đều có thể “định vị” nhanh chóng và cứu hộ kịp thời. Ngồi canh lứa trứng rùa sắp nở ngay bên bờ biển, đôi lúc ông lại thừ người: “Không biết lứa rùa vừa thả chúng đã đi được đến đâu giữa đại dương mênh mông… Rùa biển ơi, hẹn gặp lại!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.