Hộ kinh doanh có cần hỗ trợ?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/07/2021 06:43 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, nên dồn nguồn lực hỗ trợ người lao động...

Theo Nghị quyết 68, với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên để phòng, chống dịch Covid-19, sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.

Thủ tục có nhiêu khê như trước không?

Một ngày sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, trao đổi với Thanh Niên, một số hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh đều cho rằng mọi hỗ trợ của Chính phủ đối với họ trong lúc này đều rất đáng trân trọng, dù ít hay nhiều. Đáng nói, dù khó khăn, nhưng rất nhiều người lại bày tỏ lo lắng cho những người lao động tự do, bán thời gian hơn là bản thân mình. Bà Phan Thị Sáu, chủ tiệm hủ tiếu trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú), nói ngay, giờ đói quá rồi, nghỉ bán hơn tháng nay, ai cho gì đều tốt. Tui có 2 nhỏ người làm từ miền Tây lên đây phụ bán, nay nghỉ vì dịch cho về luôn rồi. Trước khi về, cho hai đứa 2 triệu đồng mà thấy tội quá, nhà đông anh em, mẹ mất sớm, về đó tiêu hết tiền rồi không biết lấy gì sống. “Hôm bữa bên hội phụ nữ cho bịch gạo do nhà hảo tâm trong phường tài trợ, rồi bên chùa cho đồ chay, cũng thấy ấm lòng. Nhà tui có đăng ký kinh doanh hẳn hoi, có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu được hỗ trợ 3 triệu đồng sớm, phụ giúp cho mấy người làm, mình khổ nhưng họ còn khổ hơn”, bà Sáu nói.
Cùng tâm trạng, bà Nguyễn Thái Vân (hộ kinh doanh may mặc tại Q.8) cho biết hiện bà đang hỗ trợ cho 30 lao động bán thời gian của cơ sở mỗi người 1 triệu đồng. Số người này nếu được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, được cao nhất 1,5 triệu đồng/người/lần. Tuy nhiên, nếu gói 26.000 tỉ đồng này vẫn áp dụng thủ tục mất quá nhiều thời gian cho cơ sở thì quá mệt mỏi. “Nếu thủ tục để nhận được 3 triệu đồng kia vẫn nhiêu khê như những gói hỗ trợ trước sẽ khó có hiệu quả. Theo tôi, hộ kinh doanh nếu để có thêm 3 triệu đồng từ gói hỗ trợ này mà phải trình loạt giấy tờ chứng minh cho cơ quan địa phương thì chắc số người thực hiện thủ tục để nhận càng giảm so với đợt trước. Cá nhân tôi trông bớt dịch để sản xuất kinh doanh, biết thời gian nào ngưng giãn cách để hoạt động chứ không muốn ngồi làm gánh nặng cho nhà nước phải hỗ trợ tiền. Tôi mong Chính phủ hỗ trợ thêm nữa cho người lao động hơn là chủ hộ kinh doanh”, bà Vân nói.
Bà Đặng Thị Hồng, hộ kinh doanh giày dép gần chợ Tân Bình, thông tin hiện bà đang đóng tiền thuê mặt bằng 12 triệu đồng/tháng, tiền lương trả cho người phụ bán hàng cùng là 8 triệu đồng/tháng. Trong tháng 6, đóng cửa hoàn toàn, không mua bán gì, nhưng vẫn chi đủ 20 triệu đồng nói trên, chưa kể tiền thuế khoán sau này. Nếu được hỗ trợ 3 triệu đồng từ Chính phủ, rõ ràng là yếu tố tinh thần đáng quý. “Tuy nhiên, cùng với Nghị quyết ban hành hỗ trợ cụ thể về mặt tiền bạc, chính quyền thành phố cần có chỉ thị là linh hoạt cho tiểu thương ngay những ngày chống dịch nữa. Tuy nghỉ bán ở nhà, nhưng hàng hóa, sổ sách đều bỏ ngoài quầy. Thỉnh thoảng, cần nhắc nợ hay kết sổ, chúng tôi chạy ra quầy mở cửa lấy là bị lực lượng chức năng đến “hỏi thăm” rồi đe dọa đòi lập biên bản vi phạm chống dịch. Tôi bị 2 lần, lời lẽ rất nặng nề. Hôm kia, tôi chìa ra 3 quyển sổ cho họ thấy là tôi cần lấy sổ sách và gói hàng bị lỗi mang về. Loạt các tuyến đường đóng cửa im ắng, ai mua mà bán. Cấp cơ sở ứng xử với hộ kinh doanh trong mùa dịch dễ gây tổn thương vậy?”, bà Hồng hỏi thẳng.
Hỗ trợ 3 triệu đồng cho hộ kinh doanh

Ảnh: Ngọc Dương

Trừ thẳng vào chi phí cố định của hộ kinh doanh?

Trước đó ngày 1.7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH khẳng định Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ này.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị (IME Vietnam), nhận xét điều chúng ta nên quan tâm là hiệu quả của gói hỗ trợ chứ không bàn chuyện tiêu cực trong quá trình hỗ trợ. Bởi thực tế chính sách hỗ trợ bằng tiền bạc vài ba triệu đồng cụ thể trong đợt tái dịch lần thứ 4 này nên tập trung cho đối tượng là người lao động “ăn bữa hôm, lo bữa mai”. Ngay tên gọi nghị quyết là hỗ trợ cho người lao động, nên tập trung vào người lao động mà thôi. Không nên đưa hộ kinh doanh, người làm chủ vào gói này khiến “xé lẻ” gói hỗ trợ ra, giảm tác dụng. Theo ông Hòa, những người làm công ăn lương, có hợp đồng hay không hợp đồng trong các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất tại TP.HCM hơn tháng qua phải tạm ngưng làm việc do quy định không tụ tập quá 3 người. Họ cần hỗ trợ bằng tiền nhiều nhất, không phải hộ kinh doanh. Người lao động có hợp đồng, có bảo hiểm, hỗ trợ bằng tiền mặt chuyển khoản thẳng cho họ 1 triệu đồng theo quy định, người không có hợp đồng, không có tài khoản ngân hàng có thể tổ chức các hội đoàn thể phụ nữ, đoàn viên… phát voucher mua thực phẩm cho họ. Làm nhanh, làm quyết liệt thì gói 26.000 tỉ đồng này mới phát huy hết tác dụng của nó. Bằng không, cứ hỗ trợ theo lối hành chính thông thường, qua chủ doanh nghiệp, rồi thủ tục… sẽ lập lại khó khăn, bế tắc trong giải ngân.
Ông Đỗ Hòa phân tích: “Con số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đóng cửa ngưng hoạt động tháng sau luôn cao hơn tháng trước trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại TP.HCM, cái nôi kinh tế của cả nước, số hộ kinh doanh lớn vô cùng và họ đã tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động lớn từ nhiều nơi đổ về. Trong bối cảnh phải thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ, Chỉ thị 10 của TP.HCM, các hộ kinh doanh kiệt quệ đã có rồi, nhưng hiện khó khăn lớn nhất của họ là phải chấp nhận tự nguyện hỗ trợ cho người lao động của mình. Việc chúng ta mang 3 triệu đồng đến phát cho hộ kinh doanh theo gói hỗ trợ này có gì đó mang tính đổ đồng, dàn đều. Kiểu hỗ trợ rải tiền cho hộ kinh doanh lúc này không cần đâu. Cái Chính phủ cần là hỗ trợ họ về cơ chế hợp lý, hỗ trợ trừ thẳng vào chi phí cố định. Có thể trừ mức phần trăm thuế đóng, trừ trực tiếp vào thuế hay hơn là yêu cầu làm thủ tục và phát tiền. Các hộ kinh doanh có đăng ký, có mã số thuế hết rồi, hỗ trợ bằng cơ chế cụ thể trên từng mã số thuế đó sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Hơn nữa, với cách làm này, sẽ khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện việc báo cáo thuế đàng hoàng đầy đủ hơn và họ cũng cảm thấy được quan tâm và khuyến khích phát triển lâu dài. Theo đó, giảm thiểu tối đa sự không minh bạch, gian dối trong nhận hỗ trợ từ Chính phủ”.
Ngoài ra, ông Hòa cũng lưu ý quy định trong Nghị quyết 68 về tỷ lệ dùng ngân sách T.Ư, quỹ dự trữ tài chính địa phương để chi cho gói hỗ trợ. Theo Nghị quyết 68, các tỉnh thành thuộc T.Ư chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện hỗ trợ theo nghị quyết này. Ông Hòa băn khoăn: “Như TP.HCM, thời gian qua chi quá lớn cho việc chống dịch thì liệu không biết ngân sách địa phương còn bao nhiêu để cân đối thực thi nghị quyết này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.