Hỗ trợ bằng kích cầu tiêu dùng

05/10/2020 07:09 GMT+7

Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần phải đưa ra chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Đức Độ, quan trọng nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) là đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm dịch vụ để có dòng tiền. Để làm được điều này, các cơ quan nhà nước có thể kết nối về mặt ngoại giao với các nước Việt Nam có mặt hàng xuất khẩu lớn, cũng như các giải pháp kiểm soát dịch trong nước tốt để DN yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi DN có đầu ra tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, việc vay có lãi suất (LS) vài phần trăm không thành vấn đề và ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay. Đồng thời, Chính phủ phải có những giải pháp kích cầu tiêu dùng.
Trong những tháng qua, cầu tiêu dùng ở mức thấp do người lao động không có công ăn việc làm, hạn chế tiêu dùng. Do đó cần đẩy mạnh gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng nhằm tăng chi tiêu từ phía người tiêu dùng.
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, không những Việt Nam mà các nước khác cũng triển khai các gói hỗ trợ cho cả người dân. Việt Nam cũng đã triển khai các gói hỗ trợ từ chính sách tiền tệ đến tài khóa nhưng vấn đề là việc thực hiện các gói chưa giải ngân hết, có những gói như hỗ trợ LS cho vay 0% trả lương cho người lao động 16.000 tỉ đồng chưa giải ngân được; gói về thuế cũng mới thực hiện được khoảng 1/3… Thay vì tính đến gói hỗ trợ kinh tế lần 2, các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của gói hỗ trợ lần 1.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), cho rằng nếu như ngân sách có bỏ ra một khoản tiền hỗ trợ cho ngành du lịch mà các công ty không có doanh thu hoạt động, khách sạn không có người thuê thì cũng không giải quyết được bài toán hậu Covid-19.
Vấn đề của ngành du lịch hiện nay là kích cầu du lịch nội địa, mà để làm được điều này, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phải có biện pháp thay đổi “mạnh” việc phân bổ thời gian học và nghỉ của học sinh, sinh viên. Ở nước ngoài, học sinh có 4 kỳ nghỉ xuân - hạ - thu - đông, trong khi học sinh, sinh viên ở Việt Nam chỉ có kỳ nghỉ hè và dịp tết là nghỉ lễ. Kỳ nghỉ hè kéo dài 2 - 3 tháng nên nhu cầu du lịch, đi lại của mỗi gia đình cũng giới hạn được khoảng 7 - 10 ngày là nhiều do phụ huynh còn đi làm.
Vậy tại sao không phân bổ lại kỳ nghỉ của các cháu nhiều hơn trong năm, điều này không những đảm bảo sức khỏe cho các cháu mà kéo theo kích cầu du lịch. Nhu cầu du lịch tăng lên kéo theo các ngành liên quan khác như vận tải hàng không, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí cũng hoạt động tốt hơn. Ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: Vấn đề ở đây là làm cách nào để kích cầu thị trường tiêu thụ nội địa mới là giải pháp căn cơ. Mỗi ngành nghề sẽ có những cách giải quyết riêng nhưng mấu chốt vẫn là đầu ra cho DN. Một vấn đề khác kích cầu tiêu dùng, ông Nguyễn Hoàng Hải còn cho rằng cần giảm thuế GTGT thuế suất 10% xuống 5% để giá cả hàng hóa dịch vụ rẻ hơn.
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng phân tích nếu chỉ có các gói hỗ trợ DN thì chưa đủ mà phải hỗ trợ người dân để kích cầu tiêu dùng. Sức mua trong nước có tác dụng rất lớn đối với hoạt động của tất cả ngành sản xuất, dịch vụ. Các chính sách thuế, phí nào liên quan đến người dân thì đều cần giảm xuống để kích thích tiêu dùng. Chẳng hạn đó là thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT các loại hàng hóa, dịch vụ...
Trong quá khứ, khi gặp khủng hoảng như năm 2009, Chính phủ cũng đã mạnh dạn giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân cho tất cả cá nhân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong thời gian 1 năm. Lần này cũng có thể thực hiện tương tự, đồng thời xem xét giảm thuế GTGT các loại hàng hóa, dịch vụ. Chỉ có làm cùng lúc các giải pháp hỗ trợ cả DN lẫn người dân thì mới kỳ vọng nền kinh tế sẽ từng bước hồi phục nhanh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.