Hỗ trợ cho nông dân Hậu Giang có lúa bị nhiễm mặn ven đường cao tốc

24/05/2024 11:39 GMT+7

Đại diện Ban Quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận thống nhất hỗ trợ các hộ dân có lúa bị nhiễm mặn bên đường cao tốc, đoạn qua tỉnh Hậu Giang; cam kết có phương án thi công không để xảy ra thiệt hại.

Ngày 24.5, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó ban điều hành gói thầu XL01, BQL dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) đã thống nhất hỗ trợ những hộ dân có lúa bị nhiễm mặn bên đường cao tốc, đoạn qua ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang.

Hỗ trợ cho nông dân Hậu Giang có lúa bị nhiễm mặn ven đường cao tốc- Ảnh 1.

Tình trạng nhiễm mặn bất thường khiến lúa gieo sạ trong vụ hè thu 2024 chết diện rộng

THANH DUY

Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND H.Vị Thủy với các ngành chuyên môn, đại diện đơn vị quản lý, thi công dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Trước đó, 9 hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng cùng ký đơn gửi các ngành chức năng xin được bồi thường diện tích lúa bị thiệt hại bất thường. Cụ thể, vụ đông xuân 2023 - 2024, lúa khoảng 40 - 50 ngày đột nhiên bị vàng lá rồi chết rụi dần, cũng là thời điểm đơn vị thi công bơm cát san lấp vào dự án cao tốc. Đến vụ hè thu 2024, lúa sạ mới 15 ngày lại bị suy cây chết hàng loạt. Người dân lo lắng, bức xúc khi xã Vị Thắng được khẳng định nằm trong khu vực an toàn, không bị nhiễm mặn tự nhiên.

Hỗ trợ cho nông dân Hậu Giang có lúa bị nhiễm mặn ven đường cao tốc- Ảnh 2.

Lúa càng sát cao tốc càng bị nhiễm mặn

THANH DUY

Trước khi thống nhất bồi thường cho nông dân, ngành chuyên môn tỉnh Hậu Giang đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, phân tích. Kết quả cho thấy, không có lúa bị ảnh hưởng bởi sinh vật gây hại, tác động tự nhiên. Nguyên nhân là nguồn nước bị nhiễm mặn với nồng độ cao. Thời điểm đó, tùy vị trí, độ mặn đo được là 2,5‰, có khi lên tới 6,6‰. Qua thống kê, năng suất lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 của các hộ dân bị ảnh hưởng chỉ đạt 7 tấn/ha. Tổng sản lượng lúa thiệt hại hơn 5,4 tấn, tương đương 44 triệu đồng.

Tại buổi làm việc, ý kiến của các cơ quan chức năng thống nhất với nhận định lúa bị ảnh hưởng do nhiễm mặn bất thường. Đại diện Ban điều hành Trường Sơn (nhà thầu thực hiện dự án cao tốc) phủ nhận việc sử dụng cát biển; đồng thời cho biết vật liệu san lấp được đưa về từ 2 mỏ cát sông ở An Giang và Đồng Tháp. Hiện, đơn vị đã lấy mẫu cát đưa đi phân tích nhằm xác định rõ cát có bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn hay không.

Hỗ trợ cho nông dân Hậu Giang có lúa bị nhiễm mặn ven đường cao tốc- Ảnh 3.

Ruộng lúa bị nhiễm mặn cùng thời điểm dự án cao tốc bơm cát san lấp vào công trường thi công

THANH DUY

Dù vậy, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, đồng ý hỗ trợ thiệt hại vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 cho 9 hộ dân nêu trên với tổng số tiền 44 triệu đồng. Quan điểm của đơn vị là dù chưa xác định chính xác nguồn nhiễm mặn từ đâu, nhưng tuyệt đối không để người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời cam kết sẽ có phương án bảo đảm không để xảy ra thiệt hại lúa của người dân trong quá trình thi công thời gian tới.

Về thiệt hại vụ hè thu 2024, do lúa đang phát triển, chưa thu hoạch nên chưa có thống kê cụ thể. BLQ dự án Mỹ Thuận sẽ bàn bạc với các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề này cần thêm thời gian để địa phương có phương án tính toán hợp lý, kiểm tra chặt chẽ thiệt hại như vụ đông xuân vừa qua. Việc hỗ trợ được đảm bảo là trên nguyên tắc không để người dân chịu thiệt thòi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.