Vụ ngộ độc bánh su kem: Nạn nhân đòi bồi thường thiệt hại

22/05/2024 06:36 GMT+7

Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau đêm hội trăng rằm tổ chức tại chung cư Palm Heights (P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đêm 29.9.2023 khiến một bé 6 tuổi tử vong và 61 người nhập viện.

Ngày 14.12.2023, Ban Quản lý (BQL) an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM (nay là Sở ATTP) đã có kết luận ban đầu vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) này được xác định nguyên nhân do vi sinh vật trong bánh su kem. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ Công an TP.Thủ Đức.

Mong cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm

Bà N.T.H (36 tuổi, ở P.An Phú, TP.Thủ Đức) có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng tại TP.HCM về việc con bà bị NĐTP sau khi ăn bánh su kem (nhãn hiệu Choux), nhưng không được Công ty Givral đền bù thiệt hại.

Bà H. dẫn báo cáo ngày 14.12.2023 về kết quả điều tra vụ NĐTP này của BQL ATTP TP.HCM thì nguyên nhân gây NĐTP là do bánh su kem của Công ty Givral sản xuất. Thế nhưng phía công ty không nhận trách nhiệm, không bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho gia đình bà H. (bao gồm cả viện phí khoảng 140 triệu đồng).

Cơ quan chức năng đến Công ty Givral làm việc về vụ ngộ độc sau ăn bánh su kem

Cơ quan chức năng đến Công ty Givral làm việc về vụ ngộ độc sau ăn bánh su kem

Trọng Nghĩa

"Công ty luật TNHH MTV Ta Pha là đại diện theo ủy quyền của Công ty Givral đã yêu cầu tôi cung cấp giấy tờ chứng minh thiệt hại, tôi đã cung cấp. Nhưng họ đưa ra kết luận (ngày 2.5.2024) là chưa có bất kỳ kết luận chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền xác định công ty có lỗi...", bà H. trình bày và đặt vấn đề: "Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho các nạn nhân cũng như cái chết thương tâm của em bé xấu số lỡ ăn bánh su kem? Mong các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Công ty Givral trong vụ việc trên".

Nhiều cửa hàng Givral tạm ngưng bán bánh su kem sau vụ ngộ độc ở Thủ Đức

Công văn của Công ty TNHH MTV Ta Pha trả lời đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (BTTH) của bà H. nêu cho đến thời điểm này chưa có bất kỳ một kết luận chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền xác định Công ty Givral có lỗi trong việc gây ra vụ NĐTP, không có căn cứ xác định về lỗi hay trách nhiệm của Công ty Givral. Do vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà H. là không đúng và không có cơ sở. Công ty luật trên cũng cho rằng Công ty Givral đã và đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm vụ việc này.

"Sự việc NĐTP xảy ra ngày 29.9.2023 là sự việc không ai mong muốn. Công ty Givral cũng như người tiêu dùng đều là bị hại trong sự việc này, vì không một nhà sản xuất, nhà cung cấp nào lại cố ý mong muốn xảy ra thiệt hại cho khách hàng", công ty luật nêu. Và cuối cùng, Công ty Givral chia sẻ, hỗ trợ cho bà H. 5 triệu đồng.

Kiện được không?

Theo luật sư (LS) Trương Ngọc Liêu (Đoàn LS TP.Hà Nội), hiện nay chế định BTTH ngoài hợp đồng, cụ thể là điều 608 bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có quy định: "Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường".

Theo quy định này, việc BTTH không bắt buộc phải có "yếu tố lỗi" của đơn vị sản xuất kinh doanh, mà chỉ cần "hàng hóa không đảm bảo chất lượng" và "gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường".

Quy định này phù hợp với quy định về căn cứ, nguyên tắc về BTTH ngoài hợp đồng (điều 584, 585 BLDS năm 2015). Theo đó, việc không có lỗi hoặc lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét giảm mức BTTH. Muốn không phải chịu trách nhiệm BTTH thì người gây thiệt hại phải chứng minh là do sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Do đó, nếu nội dung kết luận ban đầu của BQL ATTP TP.HCM về nguyên nhân gây NĐTP trong vụ này là do vi sinh vật trong bánh su kem của Givral sản xuất và kết luận này có giá trị pháp lý thì đây là căn cứ pháp lý để xác định hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của các cháu. Trên cơ sở này, phụ huynh của các cháu hoàn toàn có thể khởi kiện Công ty Givral để yêu cầu BTTH (nêu rõ yêu cầu bồi thường những khoản thiệt hại nào, tổng số tiền bao nhiêu, kèm theo các tài liệu chứng minh chi phí về thăm khám, điều trị...).

Ngoài ra, việc cơ quan điều tra đang điều tra vụ việc và chưa có kết luận cuối cùng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu BTTH theo thủ tục tố tụng dân sự. Vì quá trình điều tra theo hướng hình sự sẽ phức tạp và cần nhiều thời gian chứng minh. Trong đó "yếu tố lỗi" là 1 trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm bắt buộc phải chứng minh, đó là điểm khác biệt khi xác định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự liên quan đến bồi thường ngoài hợp đồng. Vì vậy, ngay cả khi cơ quan điều tra kết luận không có căn cứ khởi tố vụ án, thì các phụ huynh vẫn có toàn quyền khởi kiện yêu cầu BTTH căn cứ vào các quy định như đã phân tích. Trường hợp khởi tố vụ án để điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự thì vấn đề dân sự cũng sẽ được giải quyết trong cùng một vụ án hình sự.

Cùng quan điểm, LS Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định kết luận của BQL ATTP đã phân tích rất chi tiết và xác định lỗi của hãng bánh khi nói rằng đây là vụ NĐTP; thức ăn là bánh su kem, cơ sở nguyên nhân là Công ty Givral.

Đêm hội trăng rằm diễn ra ngày 29.9.2023 có khoảng 200 người tham gia tại chung cư nói trên. Ban tổ chức phát khoảng 150 bánh su kem cho trẻ em, 50 bánh su kem cho người lớn, 10 bánh su kem cho nhân viên của chung cư. Có 118 người ăn, sau đó 61 người có biểu hiện NĐTP. Trong đó 25 người nhập viện điều trị (có 3 người nhập viện ở Cà Mau), 36 người tự mua thuốc điều trị. Có 1 người tử vong là bé P.N.Q (6 tuổi, con của người lao công ở chung cư).

Kết quả điều tra của BQL ATTP TP.HCM thời điểm đó cho thấy số người ăn bánh su kem có tỷ lệ ngộ độc cao nhất trong những người đã ăn 2 loại thực phẩm (có cả xúc xích). BQL ATTP kết luận bánh su kem là nguyên nhân gây NĐTP (báo cáo kết luận ngày 14.12.2023).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.