Hỗ trợ doanh nghiệp '3 tại chỗ'

17/07/2021 08:52 GMT+7

Ngày thứ 2 áp dụng quy định '3 tại chỗ', số doanh nghiệp ngưng hoạt động lại tiếp tục gia tăng.

Vẫn biết chống dịch như chống giặc, nhưng chỉ có 1,5 ngày chuẩn bị nên nỗ lực đến đâu thì đa phần các ông chủ doanh nghiệp (DN) đều lắc đầu “bó tay”.
Cũng vẫn biết điều quan trọng nhất lúc này là chống dịch nhưng TP.HCM cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ DN duy trì sản xuất, nếu không, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy phía sau.
Suốt thời gian vừa rồi khi dịch lây lan trên diện rộng, TP đã ngưng 3/4 chợ truyền thống trên địa bàn; ngưng tất cả các quán ăn cũng như tạm dừng nhiều dịch vụ không thiết yếu... Đây là những việc làm cần thiết để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Thế nhưng, việc kéo theo đó là rất nhiều người lao động tạm thời mất việc. Để hỗ trợ họ duy trì bữa cơm hằng ngày, không chỉ ngân sách TP mà bà con ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các nhóm thiện nguyện ở khắp mọi miền Tổ quốc vẫn đang góp từng mớ rau, con cá, bao gạo...
Thế nên duy trì sản xuất lúc này, không chỉ là bảo đảm “mục tiêu kép” tăng trưởng kinh tế, mà quan trọng hơn là duy trì công việc, duy trì thu nhập cho hàng ngàn, hàng vạn công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Họ, không chỉ có một mình. Phía sau họ là hàng ngàn, hàng vạn hộ gia đình trong đó có trẻ con, người già. Họ giảm thu nhập, đồng nghĩa với giảm chi tiêu. Giảm chi tiêu ảnh hưởng lập tức đến sức mua. Sức mua ảnh hưởng thì sản xuất đương nhiên co hẹp. Sản xuất co hẹp thì thất nghiệp gia tăng... Đó chính là vòng luẩn quẩn mà trong bối cảnh hiện nay, rất dễ bị rơi vào.
Đó cũng chính là lý do Chính phủ đẩy mạnh đặt vấn đề an sinh xã hội lên hàng đầu trong lần thứ 4 dịch bùng phát này.

Sáng 17.7: TP.HCM thêm tới 1.769 ca Covid-19, 378 ca đang điều tra dịch tễ

Trở lại câu chuyện “3 tại chỗ”, khó khăn lớn nhất của DN là lo chỗ ngủ và ăn uống cho công nhân. Bởi nói “ăn - ngủ” thì đơn giản, nhưng thực tế nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của một con người có rất nhiều chuyện. Trong bối cảnh hiện nay lại càng không đơn giản. DN lo được chỗ ngủ thì không lo được cái ăn. Muốn tổ chức nấu ăn tập thể thì phải có bếp, có dụng cụ, có nguồn thực phẩm, có người nấu... trang bị ngay lập tức là bất khả thi. Muốn đặt suất ăn công nghiệp, thì hầu hết các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này đều đã đóng cửa chống dịch. Vậy cùng với yêu cầu ăn tại chỗ, nên chăng TP tính toán chuyện cho phép một số bếp ăn công nghiệp được hoạt động để phục vụ cho nhu cầu “3 tại chỗ” theo quy định?
Ngược lại, có rất nhiều công ty không thể lo nổi chỗ ngủ (phải kèm theo vệ sinh cá nhân cơ bản), vậy TP có thể tạm thời trưng dụng một số nơi để hỗ trợ họ hay không? Hôm qua, nhiều hiệp hội, tổ chức trong và ngoài nước cũng đã lên tiếng ủng hộ TP chống dịch nhưng cũng đề xuất lãnh đạo TP nghiên cứu hỗ trợ DN để họ có thể tiếp tục duy trì sản xuất. Đó cũng là yêu cầu chính đáng và cần thiết. Chưa nói đến chi phí đội lên rất nhiều thì ngay cả có tiền, để đáp ứng ngay lập tức quy định “3 tại chỗ” rất khó.
Tất nhiên, mục tiêu chống dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu, các DN không đảm bảo "3 tại chỗ" cũng đã ngưng hoạt động. Nhưng giải pháp để họ vừa chống dịch, vừa an toàn hoạt động cũng cần nghiên cứu để không đứt gãy sản xuất, đứt gãy tiêu dùng và gánh nặng an sinh lại đè lại ngân sách, nhất là trong bối cảnh mọi nguồn lực phải dồn cho chống dịch hiện nay là hết sức cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.