Hóa đơn 'đen' làm khổ doanh nghiệp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
04/08/2023 06:37 GMT+7

Thông tin một doanh nghiệp bán yến xuất hóa đơn hơn 34.000 tỉ đồng khiến thị trường giật mình choáng váng. Trong khi đó, có hơn 524 doanh nghiệp trong danh sách đen hóa đơn khiến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt tại TP.HCM, mệt mỏi vì vạ lây.

XUẤT HÓA ĐƠN HƠN 34.000 TỈ ĐỒNG TRONG 7 NGÀY

Thông tin Công ty TNHH yến sào Hubnest (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất 6 hóa đơn với doanh thu hơn 34.574 tỉ đồng trong vòng 7 ngày khiến cơ quan thuế không khỏi "hoài nghi". Công ty này kinh doanh yến sào, thực phẩm, nhưng theo giải trình với cơ quan thuế về việc xuất hóa đơn với doanh số nêu trên, Công ty yến sào Hubnest cho hay, công ty còn kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30, thực hiện giao dịch thông qua Công ty CP chứng khoán TP.HCM (HSC) bằng phương thức khớp lệnh. 

Trong quý 1/2023, công ty xuất 6 hóa đơn với doanh thu hơn 34.574 tỉ đồng. Đối với hóa đơn đầu ra, công ty ghi nội dung là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10.2022; VN30F2211 tháng 11.2022; VN30F2212 tháng 12.2022; VN30F2301 tháng 1.2023; VN30F2302 tháng 2.2023; VN30F2303 tháng 3.2023. Tại mục tên người mua ghi là khách hàng không lấy hóa đơn. 

Theo giải thích từ công ty, do vòng quay vốn lớn và đặc trưng của hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp nhiều lần vốn dẫn đến doanh thu cao. Chẳng hạn, doanh nghiệp (DN) có thể sử dụng 25 triệu đồng tiền ký quỹ (tương đương 25%) để giao dịch một hợp đồng tương lai 100 triệu đồng và lặp lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết vụ việc hiện đang được kiểm tra, xác minh cụ thể để có hướng xử lý và giải quyết cho phù hợp.

Hóa đơn 'đen' làm khổ doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Theo khuyến cáo của cơ quan thuế, các doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ đối tác trước khi mua hàng hóa, dịch vụ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chưa biết kết quả thế nào nhưng vấn đề hóa đơn hiện đang là nỗi ám ảnh đối với các DN đang hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành thông báo cho hơn 21.000 DN thực hiện rà soát, giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn liên quan đến các DN mà cơ quan chức năng đang xử lý về hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật.

Một trường hợp điển hình vào giữa tháng 6, Công ty G. (TP.HCM) nhận được thông báo của cơ quan thuế yêu cầu giải trình, bổ sung, thông tin, tài liệu liên quan rà soát hóa đơn không hợp pháp. 

Theo thông tin từ phía cơ quan thuế, Công ty G. có sử dụng 17 hóa đơn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi mua DN để phát hành hóa đơn, bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, gây thiệt hại cho ngân sách, đang bị cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ điều tra, khởi tố. 17 hóa đơn mà cơ quan thuế yêu cầu Công ty G. cung cấp thông tin có giá trị hơn 600 triệu đồng. 

Theo đề nghị của cơ quan thuế, Công ty G. kiểm tra rà soát việc mua bán hóa đơn với các DN từ năm 2020 - 2022 và thực hiện điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ cũng như điều chỉnh chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN theo quy định. Chủ DN này lo lắng không biết lấy tiền đâu đóng thuế, đặc biệt hiện nay hợp đồng không có.

Sau khi phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, phát hiện một số đối tượng sử dụng chứng minh thư, CCCD giả để thành lập mới hoặc mua lại DN ngừng hoạt động để bán hóa đơn không hợp pháp cho các DN làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách, Tổng cục Thuế mới đây công bố danh sách 524 DN bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống trên cả nước. Trong đó chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, riêng tại TP.HCM đã có 490 DN trong danh sách này.

DOANH NGHIỆP HOANG MANG VỚI DANH SÁCH ĐEN HÓA ĐƠN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế TP.HCM thực hiện 5.907 cuộc thanh tra, kiểm tra tại DN và kiểm tra 47.373 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 6.868,7 tỉ đồng, trong đó tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.978 tỉ đồng; giảm khấu trừ là 189,3 tỉ đồng; giảm lỗ là 4.701,4 tỉ đồng. 

Cục Thuế đã đẩy mạnh công tác quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro, xác định người nộp thuế có dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra. 

Ngoài ra, áp dụng chức năng kiểm soát hóa đơn điện tử ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống trên ứng dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế thực hiện lọc danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát hóa đơn vượt ngưỡng an toàn, phân công đến từng công chức của các Phòng Thanh tra - Kiểm tra, các chi cục Thuế quản lý DN để tiến hành kiểm tra người nộp thuế theo quy định. Trong những tháng cuối năm, cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát, xử lý việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các DN có sử dụng hóa đơn đầu vào của 524 DN không hợp pháp cần chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn này, không có hàng hóa kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước. Trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trường hợp phát hiện người nộp thuế sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế.

Chị T.L, kế toán trưởng một công ty trên địa bàn Q.3 (TP.HCM), hoang mang cho biết vừa rồi cơ quan thuế có yêu cầu giải trình hóa đơn đầu vào của công ty trị giá hơn 30 triệu đồng. Hóa đơn này do một DN cung cấp dịch vụ xuất có mã của cơ quan thuế, trùng khớp thông tin hợp đồng đã ký giữa hai bên. Thế nhưng thông tin từ cơ quan thuế, DN xuất hóa đơn này nằm trong danh sách 524 DN xuất hóa đơn khống. 

Chị T.L khẳng định, DN rất cẩn thận kiểm tra tính hợp pháp của DN đối tác nhưng cũng bị "dính". "Chúng tôi không có công cụ nào xác thực được đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho mình có sử dụng hóa đơn khống hay không. Dù số tiền bị loại vài chục triệu đồng nhưng công ty phải điều chỉnh toàn bộ sổ sách của những năm trước, rất mất thời gian", chị T.L bức xúc.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng nêu quan điểm, DN cần rà soát kỹ các đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tránh trường hợp mua hàng trôi nổi rồi những DN này mua hóa đơn để hợp thức hóa chi phí đầu vào. Ở đây, bộ phận mua hàng của DN cần kiểm tra kỹ đối tác trước khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng DN sẽ không thể phát hiện được ngay thời điểm đó là hóa đơn nhận vào có hợp lệ hay không. Khi kiểm tra thông tin hóa đơn trên hệ thống cơ quan thuế, các thông tin thể hiện đơn vị cung cấp đầy đủ nhưng sau nhiều năm mới nhận thông báo của cơ quan thuế về những hóa đơn này không hợp lệ, dẫn đến hậu quả DN phải chịu trách nhiệm sau này. Ngoại trừ những DN cố tình lấy hóa đơn tiếp khách, chi phí ăn uống thì có nhiều DN thật sự "bị can thiệp thô bạo" khi yêu cầu loại trừ các hóa đơn, gặp rủi ro khi loại trừ chi phí, đóng thêm tiền thuế. 

Từ vài năm trở lại đây, cơ quan thuế đã triển khai công nghệ, gần đây nhất là trí tuệ nhân tạo. Với sự hỗ trợ này, cơ quan thuế hoàn toàn có thể phát hiện nhanh khi DN xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế, trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng. Từ đó có cảnh báo về cơ quan thuế địa phương để kiểm tra. Vụ việc 524 DN xuất khống hóa đơn từ năm 2020 đến nay và được cơ quan công an phát hiện, nay hàng chục ngàn DN rơi vào cảnh loại trừ chi phí thì cơ quan thuế cũng phần nào chịu trách nhiệm.

Để không lặp lại tình trạng này cũng như giúp các DN không phải lo lắng trong môi trường hoạt động kinh doanh, ông Trần Xoa kiến nghị cơ quan thuế có hệ thống kiểm tra, giám sát, phát hiện từ sớm những DN xuất khống hóa đơn để tránh thiệt hại cho DN khác chẳng may nhận phải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.