Giàu tính thời sự và đầy góc tối
Tác phẩm của đạo diễn Lương Mạnh Hải theo chân hành trình chinh phục vương miện của Mây (Minh Tú thủ vai), cô gái trẻ mang khát khao trở thành hoa hậu để tìm lại cha mẹ ruột. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên rối tung khi chính cô phát hiện mình bị ung thư. Chính lúc này, người chị sinh đôi của Mây là Lá (Minh Tú cùng đảm nhận) vừa ra tù, đã hoán đổi vị trí em gái để tiếp tục tham dự cuộc thi. Từ đây, hàng loạt sự kiện kịch tính xảy ra với các thí sinh trong chương trình, kéo theo những màn đấu đá, chiêu trò đáng sợ.
|
Hoa hậu giang hồ là một trong những kịch bản mới mẻ gần đây sau thời gian dài nhiều tác phẩm theo đuổi yếu tố kinh dị, kỳ ảo. Tiếp tục phát huy thế mạnh về dòng phim tâm lý, xã hội, tác phẩm điện ảnh Việt lần này đào sâu vào vấn đề thời sự. Các cuộc thi hoa hậu gần đây trở nên phổ biến và những thí sinh luôn là tâm điểm dư luận mỗi lần phát sóng. Bám chủ đề này, bộ phim đi sâu vào những chiêu trò câu view, tăng rating của ban tổ chức cũng như cách thức những thí sinh gây chú ý công chúng. Trong phim, nhân vật Yến Nhi (Cao Thiên Trang), Thủy Tiên (Chế Nguyễn Quỳnh Châu)… thủ vai phản diện đã khiến câu chuyện trở nên cao trào khi liên tục bày trò đố kỵ với Mây. Từ việc đầu độc thức ăn, đổ nước bẩn trong nhà vệ sinh, cho thủy tinh vỡ vào giày đến bới móc đời tư và tung tin bất lợi… đã vén bức màn sự thật về sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này. Ngoài ra, câu chuyện của Mây còn phơi bày một thực trạng đáng chú ý, càng có sức hút và hiệu ứng truyền thông, thí sinh chương trình truyền hình thực tế càng có khả năng chiến thắng.
|
Mặc dù đây không phải là tác phẩm duy nhất phản ánh thế giới showbiz, tuy nhiên, bộ phim đã mang đến góc nhìn khá chân thực. Những câu thoại khá đắt giá, đặc biệt là của nhân vật Hoài Thu (nghệ sĩ Hồng Đào thủ vai) và Yến Nhi, đã đóng góp rất lớn cho ý đồ của toàn bộ tác phẩm. Những câu thoại được sắp xếp khá phù hợp với hoàn cảnh và không gian đã gợi lên yếu tố chân thực và kịch tính. Song, nét tính cách đối nghịch giữa hai chị em Lá và Mây khá thú vị. Sự “chênh lệch” về cách sống đã dẫn đến hàng loạt tình huống “dở khóc dở cười” khi Lá thay em gái đi thi đã khiến nhịp phim duy trì sự thú vị cần có. Mặc dù lần đầu thủ hai vai, tuy nhiên, Minh Tú làm khá tốt bởi phong cách chân phương, ngây ngô cũng như dữ dội và giang hồ.
Yếu tố nhân văn luôn là thế mạnh
Trong khi theo đuổi yếu tố drama (kịch tính) trong suốt mạch phim, tác phẩm tạo điểm cộng khi không bỏ qua yếu tố nhân văn. Đáng chú ý, mối liên kết giữa hai chị em Mây luôn được thắt chặt, với sự kết nối phù hợp giữa tuyến nhân vật phụ như Hồ Giang (Hải Triều đóng) và bà Kiều Khanh (NSND Hồng Vân). Những tình tiết đồng hành, hỗ trợ nhau giữa các nhân vật làm bộ phim trở nên ấm áp bởi tình cảm gia đình. Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là do tham lam cân bằng cả hai yếu tố nhân văn và kịch tính, nên nhịp phim loãng dần về phần kết. Trong khi ở vòng chung kết, đáng lẽ yếu tố cao trào nên được sắp đặt dồn dập thì nhịp phim có phần chậm rãi và chưa đạt đến bùng nổ bởi những tiểu xảo của các thí sinh.
Thay vào đó, câu chuyện về nguồn gốc của Mây và Lá được dẫn dắt và tái hiện. Mặc dù không thể phủ nhận đây là tình tiết khiến câu chuyện sâu sắc và nhân văn hơn, tuy nhiên, nó chưa thực sự ấn tượng và dẫn đến một cái kết bất ngờ. Ở đoạn kết, Lá dũng cảm thú nhận sự thật trước công chúng ở vòng thi ứng xử và quyết định chạy về thăm em gái đang cấp cứu. Vương miện thuộc về người khác, nhưng sớm bị vạch trần bởi những thủ đoạn của kẻ cao tay hơn. Gần như, càng về cuối, những phần kịch tính nhất dần giảm nhiệt và được thay thế bởi những nốt trầm. Nếu như cái kết bất ngờ và bùng nổ hơn, bộ phim sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn thay vì một cái kết nhẹ nhàng và “truyền thống”.
Nhìn chung, Hoa hậu giang hồ là một tác phẩm đáng xem trong bối cảnh thời sự hiện tại. Câu chuyện dàn dựng, lợi dụng, chiêu trò dù không mới nhưng chính bộ phim đã làm rõ hơn những góc khuất về chiếc vương miện mà nhiều cô gái mơ ước.
Bình luận (0)