Ngày 21.9, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 bị cáo Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi, cùng ngụ tại TP.HCM). Tòa đã tuyên trả hồ điều tra bổ sung.
Tại tòa, Nga khai nhận giữa bị cáo và ông Cao Toàn Mỹ có “hợp đồng tình cảm”. Bị cáo có viết biên nhận về việc nhận của ông Mỹ 16,5 tỉ đồng nhưng thực tế đây là thỏa thuận sống với ông Mỹ trong 7 năm, không cần hôn thú vì ông Mỹ đã có gia đình. Điều đáng nói, trong phiên xét xử, Nga có đề cập đến “Quyền im lặng”.
Liệu việc sử dụng “Quyền im lặng” của Nga có đúng không và Nga có được sử dụng quyền này trong quá trình điều tra?.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thúy Lệ Huyền (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, “Quyền im lặng” của nghi phạm hoặc bị can, bị cáo với cơ quan tiến hành tố tụng được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, hiện quyền này chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.
“Quyền im lặng” có thể hiểu là quyền của nghi phạm hoặc bị can, bị cáo không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay tự buộc mình có tội và quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của LS. Nhưng họ có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến để phản bác cáo buộc chống lại mình hoặc làm giảm đi trách nhiệm hình sự của mình.
“Quyền im lặng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với quyền bào chữa; bổ sung cho nhau để bảo đảm cho tố tụng hình sự được tiến hành đúng đắn, khách quan, tránh làm oan người vô tội. Quyền nhờ người khác bào chữa là một phần cụ thể của quyền im lặng và quyền im lặng là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, hạn chế được oan sai trong tố tụng hình sự”, LS Huyền nói.
LS Hoàng Kim Vinh (nguyên Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Phước) nêu ý kiến, đối với việc hoa hậu Phương Nga thực hiện "Quyền im lặng" cho thấy, bị cáo Phương Nga đã sử dụng quyền của mình trong điều tra, truy tố. Mặc dù hiện tại Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa có quy định về một điều luật cụ thể, nhưng trong tinh thần của Dự thảo Bộ Luật tố tụng Hình sự sửa đổi, có đề cập về việc mở rộng thêm “Quyền im lặng” của người bị tình nghi phạm tội, người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.
LS Kim cho rằng, trong quá trình làm việc với các cơ quan tố tụng, Phương Nga có thể không trả lời một số câu hỏi mà Nga cho là chống lại mình và Nga cũng không buộc phải khai nhận mình có tội. Việc làm này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật.
Còn LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, về quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến “Quyền im lặng” đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Theo đó, “Quyền im lặng” gắn liền với quyền tự bào chữa, nhờ LS hoặc người bào chữa đã được quy định tại khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013.
Đây là quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân; trở thành một nguyên tắc tố tụng căn bản phải được tôn trọng và triệt để thực hiện.
Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại: Điều 58 khoản 1 tiết e, Điều 59 khoản 2 tiết c, Điều 60 khoản 1 tiết d, Điều 61 khoản 2 tiết h.
Theo đó, các điều khoản này lần lượt ghi nhận: người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 13). Còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội theo Điều 15 của Bộ luật.
Bình luận (0)