Hoa hậu Thùy Tiên bị chê xấu: Cần có góc nhìn cởi mở hơn về cái đẹp!

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
08/12/2021 08:00 GMT+7

Nhiều người trẻ tỏ ra không đồng tình trước việc Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị chê xấu trên mạng xã hội và bày tỏ quan điểm cần có góc nhìn cởi mở hơn về cái đẹp ở thế kỷ 21.

Chiều 6.12, người dùng mạng xã hội phát hiện một tài khoản Facebook chê bai nhan sắc của Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 (Miss Grand International 2021). Bài đăng trên trang cá nhân D.N.T có những từ ngữ như “xấu dữ” hay “ban giám khảo có mù không” kèm theo tấm ảnh hoa hậu Thùy Tiên đang ngồi ăn để so sánh với hình ảnh một người phụ nữ khác.

Tài khoản D.N.T trên Facebook được cho là của một giảng viên đại học. Sau vài giờ bị cộng đồng mạng phản ứng, bài đăng chê hoa hậu Thùy Tiên của tài khoản D.N.T đã bị gỡ. Bên cạnh đó, nhiều người để lại bình luận thể hiện sự phẫn nộ trong các bài đăng khác của D.NT.

Tạo ra lịch sử khi mang về chiếc vương miện Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam nhưng Hoa hậu Thùy Tiên vẫn bị bình luận chê xấu

ảnh chụp màn hình

Cần có góc nhìn cởi mở hơn về cái đẹp

Trước những lời chỉ trích nhan sắc của hoa hậu Thùy Tiên, nhiều người trẻ tỏ ra không đồng tình và bày tỏ quan điểm cần có góc nhìn cởi mở hơn về cái đẹp.

Nguyễn Hoàng Khiêm, sinh viên trường CĐ Kinh tế-kỹ thuật Cần Thơ cho biết: “Việc đánh giá ngoại hình của một ai đó dựa trên một vài yếu tố như chiều cao, cân nặng hay đặt điểm trên gương mặt… không còn phù hợp với những người trẻ như tôi. Mỗi người sẽ có một vẻ đẹp riêng, nó được cộng hưởng thêm từ cách người đó cư xử, thái độ sống… để tạo nên một cá thể riêng biệt”, Khiêm nói.

Bài đăng được cho là của một giảng viên đại học chê Hoa hậu Thùy Tiên “xấu dữ” gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng

ảnh chụp màn hình

Anh đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ về nhan sắc, trí tuệ cùng sự cố gắng của tân Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Thùy Tiên.

Còn Huỳnh Lê Nhi, sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng nên đánh giá vẻ đẹp của mỗi người thông qua nội lực bên trong của họ.

Nữ sinh viên này nói: “Chúng ta không thể nào chạy theo một khuôn mẫu nào đó như con gái là phải đẹp dịu dàng, mặt trái xoan, da trắng… Nét đẹp mà tôi theo đuổi là sự khỏe khoắn, đầy sức sống thông qua việc tập luyện thể thao hay rèn luyện tác phong chủ động, vững vàng, kiên cường trong mọi thử thách".

Bị cáo buộc mua giải, Thùy Tiên đáp trả cực gắt

Là người có kinh nghiệm tổ chức nhiều các cuộc thi hoa hậu và thời trang, đạo diễn thời trang Huy Lio cho biết: “Mỗi cuộc thi sẽ có những tiêu chuẩn cho cái đẹp khác nhau và Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế cũng vậy.

“Thùy Tiên được làm hoa hậu vì cô ấy phù hợp với tiêu chí, dám thể hiện bản thân, giỏi tiếng Anh, giao tiếp và có chiến lược tốt. Vì vậy đừng vì góc nhìn cá nhân mà bày tỏ quan điểm phủ nhận sự nỗ lực của người khác. Tiêu chuẩn vẻ đẹp của mỗi người, mỗi quốc gia điều khác nhau nên không có cái chuẩn chung nào để đánh giá mà hãy tôn trọng vẻ đẹp đa dạng của con người”, anh Huy Lio lưu ý.

Đạo diễn Huy Lio
NVCC

Tại sao đẹp với người này nhưng xấu với người khác ?

Chuyên viên Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Khái niệm cơ bản nhất của tâm lý người chính là sự phản ánh thế giới khách quan, thông qua lăng kính chủ quan. Lăng kính chủ quan này được cấu thành từ điều kiện xã hội, lịch sử, giáo dục, gia đình, và đặc biệt là tính tích cực cá nhân”.

“Do đó, lăng kính này tròn hay vuông, lồi hay lõm đã tạo nên sự khác biệt thú vị giữa những người với nhau. Cảm nhận về cái đẹp cũng vậy. Như thế nào là đẹp? Một người như thế nào là hoàn hảo, là vừa mắt… những điều này vốn đều được quy định nhiều bởi văn hoá, truyền thông, sự tương tác liên cá nhân và từ chính cảm nhận của chủ thể”, anh Tâm An lưu ý.

Do đó, chuyên viên Tâm An lưu ý: “Việc gọi một ai đó đẹp vốn chỉ mang ý niệm tương đối. Ngoài ra, nhận xét rằng ai đó xinh đẹp, còn bị ảnh hưởng bởi đám đông như nhiều người công nhận thì mình cũng công nhận. Và những yếu tố khách quan như: tự hào dân tộc, tự hào về sắc tộc, tự hào về giới... Thậm chí, một số nhà tâm lý còn cho rằng: Chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi những người có nét giống người thân trong gia đình”.

Đừng lấy lý do tự do ngôn luận để xúc phạm người khác!

Chia sẻ quan điểm về việc phát ngôn trên mạng xã hội, chuyên viên Tâm An cho biết việc thể hiện chính kiến và quan điểm cá nhân trên mạng xã hội không có gì mới vì tính chất của mạng xã hội khuyến khích người dùng bày tỏ quan điểm và góc nhìn cá nhân.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người nhầm lẫn trong việc tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, mà không quan tâm quan điểm ấy sẽ đóng góp gì cho người khác, hoặc có gây ra những hậu quả tiêu cực gì cho người đọc hay không. Tự do ngôn luận không thể hiểu theo hướng được quyền xâm phạm, chỉ trích, công kích đến quyền của một cá nhân khác, theo anh Tâm An.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An

NVCC

“Việc chê ai đó xấu xí vốn đã thể hiện sự bất lịch sự, không cần biết chủ thể bị chê bai thuộc giới tính nào. Nhưng trong một xã hội còn nhiều định kiến đặt trên vai phụ nữ trong việc giữ gìn vẻ bề ngoài, lời chê bai ấy càng nặng nề, thậm chí mang tính xúc phạm, gây tổn thương”, chuyên viên nói.

Do đó, theo anh Tâm An, việc đưa ra lời nhận xét không hay về ngoại hình của một người phụ nữ được xem là điều tối kỵ trong giao tiếp, vì rất có thể vì lời nói đó sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và khiến họ có những tác động cực đoan đến cơ thể của mình để chạy theo cái đẹp thị chúng.

Dân mạng Việt Nam 'dậy sóng' trước nghi án Thùy Tiên bị chơi xấu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.