Họa sĩ Bùi Trang Chước (21.5.1915 - 27.2.1992), quê ở làng Phú Xá, xã Phú Thượng, H.Từ Liêm (nay là P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ), Hà Nội. Năm 1941, tốt nghiệp xuất sắc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt. Ngoài việc giảng dạy, họa sĩ Bùi Trang Chước đã dành nhiều thời gian cho việc sáng tác tem thư và ở thời điểm năm 1942, ông là người VN và cũng là người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư.
Họa sĩ Bùi Trang Chước |
tư liệu gia đình |
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, họa sĩ Bùi Trang Chước đã cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Sau toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc theo cách mạng, giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Liên khu Việt Bắc. Trong những năm 1951 - 1952, do có biệt tài về đồ họa, ông được điều về vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng. Từ đó đến ngày Chính phủ kháng chiến về tiếp quản thủ đô (10.10.1954), Bùi Trang Chước công tác tại Nhà in Ngân hàng, làm giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên gia vẽ tiền tại Vụ Phát hành thuộc Ngân hàng Nhà nước VN cho tới khi nghỉ hưu năm 1976.
Đầu năm 1953, Nhà in Bộ Tài chính đã biệt phái họa sĩ Bùi Trang Chước sang Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng làm nhiệm vụ sáng tác bằng khen, huân, huy chương cho Chính phủ. Tại đây, ông bắt đầu tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam được phát động tháng 6.1951. Đến tháng 10.1954, từ hơn 300 mẫu quốc huy của các họa sĩ tham gia, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu của tác giả duy nhất là Bùi Trang Chước được lựa chọn để trình Chính phủ. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (từ ngày 15.9 - 20.9.1955), Quốc hội đã phê chuẩn mẫu Quốc huy do họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả.
Mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước |
Với những đóng góp và công lao của mình trong sự nghiệp vẽ tem thư và vẽ tiền, họa sĩ Bùi Trang Chước đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất của nhà nước ta và Huân chương cao quý của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký 4 quyết định tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 128 tác giả, đồng tác giả (trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 112 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước).
Dự kiến lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 sẽ diễn ra vào giữa tháng 12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bình luận (0)