Người xem tranh như bị mê hoặc trong ánh sáng chấp chới, mờ ảo phản chiếu vào các tác phẩm mang đầy tính ám ảnh. Ở đó mỗi bức tranh khổ lớn đều chứa đựng cả một câu chuyện đời, có mở đầu và kết thúc. Chủ thể xuyên suốt trong các bức tranh của Phạm Thanh Toàn là chàng trai luôn hoài niệm về tinh hoa quá khứ và giàu lòng trắc ẩn. Những cặp đôi yêu nhau trong tranh Toàn không được vẽ phần đầu, như thông điệp tình yêu phải đi từ con tim đến con tim theo bản năng, không suy nghĩ, so đo tính toán. Tuy vậy, tình yêu ấy khiến người ta cuộn vào nhau sau bao cuồng dại, để rồi nhận ra hạnh phúc không thuộc về mình…
Trong Không gian khác còn có các nhân vật hiệp sĩ, ngựa giấy, con quạ, nhà thờ, hàm cá mập… với cầu vồng, chồng sách bị đạp đổ, thuyền hồng dát vàng, hình nhân đứng trên lưng người mẹ, nhẫn kim cương, đàn piano, đèn chùm xa hoa... Tất cả là hiện thân của những lát cắt trong cuộc sống được chuyển hóa bằng trí tưởng tượng của người họa sĩ đang mơ về một thế giới hạnh phúc. Nói cách khác, thế giới hạnh phúc trong tưởng tượng của Phạm Thanh Toàn được hình thành từ sự ám ảnh của người họa sĩ về âm - dương, sự sống - cái chết - luân hồi, khát vọng tự do, trò chơi vương quyền, sự phản biện mới - cũ, hôn nhân và những đổ vỡ…
Không đơn giản chỉ là những chất liệu đủ sắc màu, tranh của Phạm Thanh Toàn còn gắn với nhiều "đạo cụ" khác: hoa hồng khô, dây thép, lưới sắt, bẫy chuột… thể hiện những thân phận, ước mơ, sự đau khổ, mà ai nhìn vào cũng có thể thấy mình trong đó.
Triển lãm Không gian khác của Phạm Thanh Toàn diễn ra đến 28.5.2023.
Bình luận (0)