Đến khu vực từng là khu tập thể hỏa xa do người Pháp xây dựng ở Đà Lạt, hỏi nhà cụ Viễn thì có người chỉ đường ngay. Mới tới cổng, giới thiệu mình làm Báo Thanh Niên, bà Trần Thị Lạng, vợ cụ Viễn, hồ hởi gọi: “Ông ơi, Báo Thanh Niên tới tìm ông nè”.
Vợ chồng cụ Viễn |
Quang Viên |
Nhân chứng của đường sắt “huyền thoại”
Bước vào nhà, tôi thấy cụ Viễn ngồi bắt chân chữ ngũ, cầm tờ báo Thanh Niên đọc say sưa. Ngước nhìn chúng tôi, người lái tàu 100 tuổi cất giọng: “Chú là ký giả Báo Thanh Niên? Từ khi có Báo Thanh Niên, tôi chưa bỏ sót tờ nào”.
Có lẽ là bạn đọc trung thành của Báo Thanh Niên nên cụ Viễn tỏ ra rất hào hứng khi gặp tôi. Rồi ký ức về đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, về nghề lái tàu ùa về. “Đường sắt răng cưa của VN là một huyền thoại. Trên thế giới chỉ có 2 đường sắt răng cưa leo núi, một ở Thụy Sĩ và một ở VN. Tui sung sướng vì mình từng lái tàu trên đường sắt này”, cụ Viễn tự hào nói.
Chưa có dịp kiểm chứng lời cụ Viễn nói: “Tôi là người lái tàu lâu nhất của tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt còn sống”, nhưng tôi tin rằng cụ là người lái tàu duy nhất có những hiểu biết cặn kẽ về tuyến đường sắt độc nhất vô nhị ở châu Á này. Những gì cụ cất giữ trong chiếc hòm gỗ, trong bộ nhớ rất siêu và cả trái tim dành cho tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt rất hiếm có.
“Hồi trước chồng tôi lái tàu cho người Pháp được cả lương cho vợ con. Vợ chồng tôi có tới 12 người con mà vẫn nuôi đủ nhờ khoản tiền lương này. Tôi nhớ lúc đó lương của ổng 7.000 đồng/tháng, trong khi vàng chỉ 3.800 đồng/lượng chứ mấy”, cụ Trần Thị Lạng kể.
Mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng cụ Viễn vẫn nhớ như in các dấu ấn thời gian… về tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Theo cụ Viễn, người Pháp xây dựng tuyến đường sắt này từ năm 1912, mãi đến năm 1932 mới hoàn thành. Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có tổng chiều dài 84 km, qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là Ngoạn Mục và Đ’ran. Trong đó có 3 đoạn phải chạy trên đường sắt răng cưa với độ dốc 12% gồm: Krông Pha (quen gọi là Song Pha - PV) - Eo Gió, độ cao từ 186 - 991 m; Đơn Dương - Trạm Hành độ cao từ 1.016 - 1.515 m; Đa Thọ - Trại Mát độ cao từ 1.402 - 1.550 m. Các tàu được vận hành bởi 11 đầu máy hơi nước nhãn hiệu HG 3/3 và HG 4/4 chuyên để vượt núi và chạy trên đường sắt răng cưa.
Có một chi tiết mà cụ Viễn tỏ ra tâm đắc. Đó là năm cụ chào đời (1922) cũng là năm đoạn đường sắt răng cưa được thi công nối Song Pha lên Đà Lạt. Theo cụ Viễn, đây là đoạn đường sắt phải thi công “khó khăn và thương đau nhất”. Đường vượt qua nhiều núi cao, vực sâu, thác ghềnh, sông suối. Ngoài ra, do khí hậu khắc nghiệt, thú dữ hoành hành… khiến hàng ngàn phu làm đường sắt phải bỏ mạng. Nói đến đây cụ Viễn đọc luôn đoạn vè từng được lưu truyền: Kể từ làm sở Sông Pha. Làm hai cây số đục qua miệng hầm. Bạc vàng không biết mấy trăm. Nhân dân hao phí ăn nằm gió sương. Kẻ sụp đất người nghiến xương. Kẻ bị hột nổ tan xương nát đầu…
Ảnh tư liệu về công việc thi công tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt |
Anh phu trà trở thành lái tàu
Hành trình trở thành lái tàu của cụ Viễn là câu chuyện khá thú vị. “Tôi từ anh phu trà trở thành lái hỏa xa”, cụ Viễn chia sẻ. 20 tuổi, cụ Viễn làm phu trà ở sở trà Cầu Đất (Đà Lạt) do người Pháp xây dựng. Vốn thông minh và cầu tiến nên lúc còn làm phu trà, chàng trai quê Hải Hậu, Nam Định này đã tự mày mò học tiếng Pháp. Nhờ đó, khi sở trà đóng cửa, anh được nhận làm bồi cho một sĩ quan người Pháp. Nhưng ước mơ của chàng trai trẻ là được phục vụ trên những đoàn tàu ngược xuôi Đà Lạt - Tháp Chàm để thỏa chí tang bồng. “Thế rồi năm 1947, tôi được một người Pháp giới thiệu vào làm đốt lò, dọn vệ sinh, soát vé trên tàu. Dần dần tôi lên phụ lái, rồi lái chính”, cụ Viễn tâm sự.
Cụ Viễn lái tàu trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt từ năm 1953 - 1969 do chiến tranh ác liệt nên tuyến đường sắt này dừng hẳn. Nhưng suốt những năm đồng hành cùng tuyến đường sắt lừng danh, từ một nhân viên đốt lò cho đến “cơ trưởng” hỏa xa, với một người đến tận bây giờ còn yêu từng đoạn ray răng cưa, còn như nghe vang vọng tiếng còi tàu… thì tất cả còn vẹn nguyên trong ký ức.
Khi tôi hỏi về cảm giác lái tàu trên đường sắt răng cưa, cụ Viễn nói một cách hào hứng: “Từ Tháp Chàm lên tới Song Pha thì tàu chạy trên đường ray bình thường. Từ Song Pha đến Đà Lạt thì đổi đầu máy để chạy trên hệ thống đường răng cưa mới vượt đèo dốc nổi. Đoạn Tháp Chàm - Sông Pha đầu tàu có thể kéo được 21 toa, nhưng từ Sông Pha lên Đà Lạt chỉ có thể kéo được 2 - 4 toa với trọng lượng tối đa 65 tấn. Nhưng bắt đầu từ đó, người lái tàu được trải nghiệm cảm giác mạnh”.
Đầu máy của tuyến đường sắt huyền thoại còn lưu giữ tại ga Đà Lạt |
Cụ Viễn diễn tả thêm: “Lái tàu sẽ điều khiển đầu máy ngoạm chặt vào đường răng cưa để từ từ leo dốc với vận tốc chỉ khoảng 5 - 10 km/giờ”. Dù tàu chạy với vận tốc “rùa bò” như vậy, nhưng theo cụ, đây lại là đoạn đường sắt thử thách thần kinh, bản lĩnh của lái tàu. Bởi, chuyện các toa tàu bị tuột, bị lật đã từng xảy ra trên đoạn đường sắt này. “Năm 1940, lúc tôi chưa theo nghề hỏa xa, tàu từng bị trật đường ray lao xuống vực làm hơn 30 người thiệt mạng rồi”, cụ Viễn kể lại. Chạy tàu trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nên chính người lái tàu 100 tuổi này cũng từng thoát chết vì bom mìn. Nhưng sự kiện cụ Viễn không thể nào quên và còn lưu giữ trong sổ ghi chép hành trình giờ đã úa vàng là tên tuổi, ngày giờ chết của tổ lái 4 người vào năm 1968.
Bước vào cái tuổi 100, sức khỏe cụ Viễn giảm sút nhiều. Vợ cụ cho biết gần đây ông hay bệnh, ăn ít. Nhưng những câu chuyện về ngành đường sắt cụ vẫn theo dõi đều và có nhiều trăn trở. Trước khi chia tay, ông trải lòng: “Tôi đọc báo thấy ngành đường sắt nước ta hiện nay chưa xứng tầm với sự phát triển của xã hội. Tui còn nghe nói nhân viên lái tàu bây giờ lương có dăm triệu một tháng mà thương họ lắm. Ông còn ao ước tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt sẽ được khôi phục như dự tính. “Nếu trước khi chết tôi được nhìn thấy tuyến đường sắt mà mình từng làm lái tàu được khôi phục lại thì sẽ sung sướng vô cùng”, cụ Viễn tâm tình.
Bình luận (0)