Hoại tử xương hàm ở người mắc Covid-19 có biểu hiện ra sao?

Thanh Tùng
Thanh Tùng
12/11/2022 16:38 GMT+7

Bệnh nhân bị hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 có diễn tiến bệnh khá nhanh, nếu không can thiệp bệnh sớm, có thể sẽ lan đến các cấu trúc bên trong sâu hơn như các xương ổ mắt, xương thái dương, sàn sọ.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không can thiệp đúng và hợp lý.

Hoại tử xương hàm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19 là một trong rất nhiều chủ đề được báo cáo tham luận tại Hội nghị khoa học và triển lãm răng hàm mặt quốc tế lần đầu ở TP.HCM từ 11-13.11 (HIDEC 2022). Hội nghị do Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM cùng các đơn vị phối hợp tổ chức.

Có hơn 2.000 bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện Bộ Y tế,... tham dự hội nghị; có 40 chuyên đề thuộc các lĩnh vực chuyên sâu được các chuyên gia đến từ Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc,…và trong nước báo cáo.

Những chủ đề như: Phẫu thuật tạo hình hàm - mặt; Chỉnh hình răng mặt; Cấy ghép nha khoa; Nha nhu; Phục hình răng; Điều trị nội nha; Nha khoa dự phòng; Hoại tử xương hàm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19...

Các bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân

K.v

Bên cạnh chương trình khoa học là triển lãm nha khoa với sự tham gia của 300 công ty trang thiết bị y, nha khoa...

Theo đại diện Bộ Y tế, trong những năm qua, ngành răng hàm mặt của Việt Nam đã phát triển nổi bật, hội nhập trên trường quốc tế; đã làm chủ và thực hiện thường quy nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, phức tạp, áp dụng các vật liệu và trang thiết bị hiện đại; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ in 3D, phần mềm lập kế hoạch, phần mềm phẫu thuật ảo và trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh răng hàm mặt...

Hoại tử xương hàm ở bệnh nhân hậu Covid-19

Báo cáo của bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM tại hội nghị cho biết, hoại tử xương hàm ở bệnh nhân hậu Covid-19 là bệnh lý hiếm gặp, thường khởi phát sau thời gian nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong một thời gian ngắn. Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường là đau vùng xương hàm hay những cấu trúc xung quanh - là lý do khiến bệnh nhân đi khám.

Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm: dò mủ quanh răng, lung lay nhiều răng cùng lúc, lộ xương ổ răng hay vùng xương hàm, xương khẩu cái, lan đến mắt, xương gò má, xương sọ. Chụp X-quang cho thấy hình ảnh hủy xương lan rộng với nhiều xương cùng lúc, có khi đến xương ở nền sọ.

Nhìn chung, hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 có triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng giống các bệnh nhân hoại tử xương hàm. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh này xảy ra khá nhanh, nếu không can thiệp bệnh sớm, có thể sẽ lan đến các cấu trúc bên trong sâu hơn như các xương ổ mắt, xương thái dương, sàn sọ. Có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không can thiệp đúng và hợp lý.

Một ca hoại tử xương hàm được chữa trị tại TP.HCM

bscc

Việc điều trị hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 bao gồm, điều trị nội (dùng thuốc), ô xy cao áp hỗ trợ trước và sau phẫu thuật; phẫu thuật nạo sạch loại bỏ những mô viêm, hoại tử không hồi phục; tiếp tục theo dõi, điều trị trong thời gian dài.

Trước đó, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan tình trạng hoại tử xương hàm trên bệnh nhân sau nhiễm Covid-19. Hội đồng họp vào chiều 18.7.2022 tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM. Thành phần gần 20 chuyên gia về răng hàm mặt, tai mũi họng, nội nhiễm, huyết học, ngoại thần kinh... đến từ các bệnh viện, viện, trường đại học...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.