Chiều 10.7, tại TAND TP.Hải Phòng, phiên xét xử sơ thẩm vụ một thầy giáo từng dạy tại Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng kiện Bộ GD-ĐT đã bị hoãn. Phiên tòa sơ thẩm bị hoãn do luật sư bảo vệ quyền lợi cho người khởi kiện vắng mặt.
Người khởi kiện là ông Ngô Văn Hiển (số 30 ngõ 24, đường Dân Lập, P.Dư Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng) cũng có đề nghị hoãn phiên xét xử. Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ông Ngô Văn Hiển và ông Nguyễn Tế Đồng (số 60 ngõ Hàng Gà, P.Cát Dài, Q.Lê Chân) đã có đơn kiện Bộ GD-ĐT. Ông Đồng đã ủy quyền việc khởi kiện cho ông Hiển.
Ông Ngô Văn Hiển (đã về hưu), nguyên là Trưởng bộ môn Xây dựng (hiện là Khoa Xây dựng) Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng, trong thời gian trường này có tên là Trường đại học Dân lập Hải Phòng.
Trong đơn khởi kiện, ông Hiển yêu cầu TAND TP.Hải Phòng xét xử việc Bộ GD-ĐT không thực hiện hành vi hành chính trong suốt 12 năm; Bộ GD-ĐT có dấu hiệu đồng lõa, bao che cho Chủ tịch HĐQT lâm thời, Hiệu trưởng Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng thực hiện nhiều sai phạm; Bộ GD-ĐT phớt lờ nhiều ý kiến báo cáo, kiến nghị của thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) lâm thời và các thành viên sáng lập.
Theo ông Ngô Văn Hiển, Trường đại học Dân lập Hải Phòng thành lập năm 1997. Do HĐQT khóa 1 của trường có nhiều vấn đề nên bị giải thể. Năm 2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập HĐQT lâm thời gồm 7 người.
“Theo quy định của Chính phủ, HĐQT lâm thời chỉ có thời hạn 1 năm. Thế nhưng, kể từ khi thành lập đến nay, HĐQT lâm thời vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động. Thành viên HĐQT lâm thời và người góp vốn thành lập trường nhiều lần có ý kiến nhưng Bộ làm ngơ. Sai phạm này có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT”, ông Hiển cho Thanh Niên biết.
Ông Hiển cho rằng, việc để tồn tại HĐQT lâm thời sai quy định dẫn đến rất nhiều vấn đề của Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng, nhiều người đã có đơn thư tố cáo sai phạm, lộng quyền của Chủ tịch HĐQT lâm thời và hiệu trưởng nhà trường.
Bộ GD-ĐT bị nhầm là “cấp trên”?
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên chiều 1.7, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT không thể thực hiện việc thành lập HĐQT Trường đại học dân lập Hải Phòng (nay là Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng) sau khi HĐQT lâm thời của trường hết thời hạn hoạt động, bởi không có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Theo ông Cường, trường đại học dân lập là mô hình tồn tại có tính lịch sử, nhưng theo luật Giáo dục 2005 thì không còn mô hình trường dân lập ở bậc đại học nữa. Khoản 2 điều 18 Nghị định 75/2006/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục 2005 cũng yêu cầu “không thành lập cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học”.
Vì thế, ngày 29.5.2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho phép 19 trường đại học dân lập trong cả nước chuyển sang loại hình trường đại học tư thục và hoạt động theo quy chế trường đại học tư thục, trong đó có Trường đại học dân lập Hải Phòng. Trong quyết định ghi rõ thời hạn chuyển đổi “hoàn thành trước ngày 30.6.2007”.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này với nhiều trường diễn ra khó khăn, chủ yếu do nội bộ các trường chưa có tiếng nói chung. Cho đến nay, vẫn còn 2 trường chưa chuyển đổi được. Riêng Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng thì mãi đến tháng 5.2019 mới thực hiện được việc chuyển đổi này.
“Theo Quyết định 86/2000/QĐ-TTG ban hành Quy chế trường đại học dân lập của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT là cơ quan có thẩm quyền công nhận HĐQT của trường đại học dân lập. Nhưng theo luật Giáo dục 2005, mô hình trường đại học dân lập không còn thì Quyết định 86/2000/QĐ-TTG hết hiệu lực, nên Bộ GD-ĐT không thể công nhận HĐQT của Trường đại học dân lập Hải Phòng”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng, do Trường đại học dân lập Hải Phòng không thống nhất được nội bộ để chuyển đổi sang mô hình đại học tư thục, nên một số người trong HĐQT lâm thời của trường vẫn cho rằng, Bộ GD-ĐT là “cấp trên” của Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng.
Có thể đó là lý do ông Hiển, một trong số các thành viên của HĐQT lâm thời trước đây của trường, kiện Bộ GD-ĐT “có dấu hiệu đồng lõa, bao che cho Chủ tịch HĐQT lâm thời” của trường.
Ông Cường nói: “Ông Hiển kiện Bộ GD-ĐT phớt lờ nhiều ý kiến báo cáo, kiến nghị của thành viên HĐQT lâm thời và các thành viên sáng lập. Bộ GD-ĐT có nhận được các kiến nghị đó, chủ yếu xoay quanh các vấn đề phân chia tài sản, tài chính trong nội bộ nhà trường. Nhưng theo quy định, Bộ GD-ĐT không phải là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý các vấn đề về tài chính, tài sản”.
Tuy nhiên, theo ông Cường, giờ bị kiện thì Bộ GD-ĐT chấp nhận “hầu tòa”.
Bình luận (0)