Nguồn lây nhiễm trong cộng đồng ở Hải Dương đang hiện hữu
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với 20 địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 15.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hôm qua (14.2), Cơ quan thường trực của Bộ Y tế đã xuống làm việc với tỉnh Hải Dương để có sự đánh giá, nhận định về tình hình dịch tại đây.
Có hai điểm hết sức đáng lưu ý, theo ông Long, là nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở Hải Dương đang hiện hữu và có thể có nguy cơ tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng và "chúng ta không ngắt được chuỗi lây nhiễm này".
Ông Long cho biết, dù đã triển khai rất nhiều biện pháp ở Hải Dương và tổng số mẫu xét nghiệm tại đây đã lên tới hơn 90.000 mẫu, nhưng Bộ Y tế vẫn cho rằng, tốc độ truy vết, tốc độ xét nghiệm, khoanh vùng, giải quyết trường hợp F1 ở Hải Dương còn chậm hơn tốc độ lây nhiễm của dịch.
"Chúng tôi rất quan ngại. Có một số huyện của Hải Dương như là Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách... hết sức đáng lưu ý. Chí Linh chúng ta đã phong toả ngay từ đầu nên có thể tạm yên tâm, nhưng các cộng đồng, các khu vực khác, rất đáng quan ngại", ông Long nói.
|
Vấn đề thứ hai, theo ông Long, là việc cách ly F1. Do dịch bùng nhanh, nên lượng F1 rất lớn, khiến Hải Dương phải vận dụng tất cả các cơ sở có thể cách ly được. Chính vì điều này, Bộ trưởng Y tế quan ngại có thể có lây nhiễm trong khu vực cách ly.
Hoan nghênh việc Hải Dương đã thực hiện giãn cách toàn tỉnh, ông Long so sánh, Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chỉ 3 ngày sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên và ca bệnh mới chỉ có ở 2 quận Hải Châu và Sơn Trà, nhưng Hải Dương đã nhiễm ở hầu hết các huyện, thị, thành phố.
Thêm nữa, qua nghiên cứu trường hợp Đà Nẵng, Bộ Y tế đã phát hiện một số trường hợp nhiễm mà cơ quan chức năng đã không phát hiện được khi làm mẫu. "Giãn cách xã hội giúp chặn được lây nhiễm trong cộng đồng", ông Long kết luận và một lần nữa hoan nghênh Hải Dương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Nhận thấy nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly ở Hải Dương rất cao và việc sử dụng các cơ sở cách ly dân sự là "không đáp ứng yêu cầu, không đảm bảo nguyên tắc cách ly, vẫn có sự giao lưu, tụ tập", ông Long đề nghị giao toàn bộ việc quản lý, vận hành, giám sát các khu cách ly lớn cho quân đội quản lý.
Ông Long cũng đề nghị phải đưa toàn bộ công nhân Công ty Poyun ra các khu vực khác cách ly và tiến hành "làm sạch" tại đây.
"Chúng tôi nhận định, có thể có thêm ca nhiễm Covid-19 ở Hải Dương, nhưng nếu chúng ta thực hiện triệt để về việc giãn cách xã hội, cách ly thì tin rằng Hải Dương sẽ đối phó được", ông Long tin tưởng.
"Nếu mất vết mà dịch lan ra thì rất nguy hiểm"
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, có một câu hỏi từ đầu mà ông rất băn khoăn, là ổ dịch Cẩm Giàng.
"Ta chăm chăm (ổ dịch ở) đây là từ Chí Linh, nhưng nhận định không rõ. Cẩm Giàng hoàn toàn có thể là một ổ dịch riêng, dù chủng có thể cùng với chủng Chí Linh", Phó thủ tướng nói và bày tỏ đồng tình với "biện pháp mạnh hơn" của Hải Dương, vì "tháng Giêng là tháng ăn chơi".
"Hoàn toàn có khả năng ổ dịch Cẩm Giàng không xuất phát từ Chí Linh. Giả sử từ vùng khác, mình mất vết mà không may nó lan ra thì rất nguy hiểm. Hà Nội và TP.HCM đề nghị phải rất kiên quyết", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến cáo.
Trước diễn biến này, Thủ tướng đã yêu cầu: "Bộ Quốc phòng phải đảm nhận việc cách ly, không cho cách ly dân sự nữa. Đó là quyết định hôm nay của Thủ tướng Chính phủ".
Bình luận (0)