Hoang phí 'đất vàng': 3,2 ha 'đất vàng' ở Ninh Bình bỏ hoang 2 thập niên

05/11/2022 06:05 GMT+7

Hơn 3 ha 'đất vàng' nằm giữa trung tâm TP. Ninh Bình (Ninh Bình) được quy hoạch, bố trí để xây dựng hệ thống bể bơi phục vụ SEA Games 22 tổ chức năm 2003 tại VN.

Tuy nhiên, công trình này không những đã lỡ hẹn với SEA Games 22 mà còn bị bỏ hoang suốt hơn 2 thập niên qua.

Sống khổ trên “đất vàng” Ninh Bình, cạnh bể bơi xây mãi chưa xong

Khu đất rộng 3,2 ha nằm bên cạnh sân vận động tỉnh Ninh Bình, thuộc P.Tân Thành - có vị trí trung tâm ở TP.Ninh Bình, nhưng suốt 21 năm qua bị bỏ mặc; đến nay tỉnh Ninh Bình vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể để đưa đất vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả “đất vàng”.

3,2 ha “đất vàng” ở trung tâm TP.Ninh Bình hoang phí 21 năm qua

Hoang phế giữa lòng thành phố

Năm 2001, UBND tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư dự án (DA) khu trung tâm thể thao tỉnh Ninh Bình - xây dựng hệ thống bể bơi để phục vụ thi đấu SEA Games 22; và sau đó sẽ làm nơi bồi dưỡng, đào tạo, tập luyện cho môn bơi. DA được quy hoạch rộng 3,2 ha, tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng bằng tiền ngân sách nhà nước, do Sở VH-TT Ninh Bình làm chủ đầu tư. Trong đó, DA sẽ xây dựng khu nhà ở cho vận động viên, bãi xe dịch vụ, khu bể bơi.

Tuy nhiên, sau khi san lấp mặt bằng, đổ được khoảng hơn 100 m2 sàn bê tông thì công trình bị dừng thi công, bỏ hoang đằng đẵng từ năm 2001 đến nay. Theo quan sát của PV Thanh Niên, xung quanh khu vực DA là các khu dân cư, trường học, sân vận động tỉnh hoạt động khá nhộn nhịp, văn minh. Tuy nhiên, giữa nơi đô thị đó là khu đất 3,2 ha nằm im lìm, ẩn dưới lớp lớp cây cỏ dại, rác thải và những đống cọc bê tông, ống cống bê tông do một doanh nghiệp sử dụng làm điểm tập kết. Dấu tích của DA chỉ có hơn 100 m2 nền được đổ bê tông. Những thanh sắt nối nhô ra giờ đã hoen gỉ, bị cỏ dại bao trùm.

Nhà của một hộ gia đình nằm trong vùng quy hoạch dự án nhưng chưa được giải phóng mặt bằng, đã xuống cấp, hư hỏng không thể ở được

MINH HẢI

Nợ dân, nợ nhà thầu đến bao giờ ?

DA “chết yểu” không chỉ “treo” đất, mà còn “treo” luôn cuộc sống 17 hộ dân thuộc khu phố Phúc Tân (P.Tân Thành) nằm trong vùng quy hoạch DA mà đến nay chưa được giải phóng mặt bằng. Suốt 21 năm qua, các hộ này luôn sống trong cảnh thấp thỏm, khốn khổ khi nhà không được xây dựng kiên cố, không phân chia đất cho con cái để cấp sổ đỏ được…

Ông Đinh Hùng Sơn, Tổ trưởng tổ dân phố Phúc Tân, cho hay: “Nhìn DA bỏ hoang, người dân rất băn khoăn. Đất đai thuộc nhà nước quản lý, nhưng bỏ không như vậy là rất hoang phí, trong khi đất đai không phát huy được hiệu quả”.

Xem nhanh 20h ngày 5.11: Xăng dầu vẫn đáp ứng được nhu cầu? | Du thuyền ông Trịnh Văn Quyết lại ế

“Nhiều cây nhãn, cây bồng tự mọc lên sau khi san lấp mặt bằng đến nay đã ăn quả được mấy năm rồi. Khi triển khai DA, nhiều người ở đây khi đó là đứa trẻ, nay đã có vợ, thậm chí có con rồi mà vẫn phải chịu cảnh chờ đợi, chờ đợi rồi chờ đợi. Suốt 21 năm qua, người dân chúng tôi làm nhà mới ở cũng không xong, muốn chia đất cho con cái, làm sổ đỏ ổn định cuộc sống cũng không được. Chúng tôi cứ mang đơn lên xin làm nhà, chính quyền lại bảo đất nằm trong DA, chúng tôi lại quay về thôi. Quá nhiều lần, nhiều năm, người dân chúng tôi kiến nghị đến các cấp nhưng cũng không có gì thay đổi. Giờ chúng tôi chỉ muốn biết và muốn chính quyền trả lời một câu là có tiếp tục làm DA nữa hay không để dân còn ổn định cuộc sống. Khổ, khổ mãi đến giờ rồi mà chưa biết còn khổ đến bao giờ”, một người dân nằm trong vùng quy hoạch DA bức xúc nói.

Tỉnh Ninh Bình không chỉ “nợ” người dân có liên quan một câu trả lời suốt hơn 2 thập niên qua, mà còn nợ nhà thầu là Tập đoàn Xuân Thành hơn 18 tỉ đồng. Nguyên nhân khiến DA trên “chết yểu”, gây lãng phí “đất vàng” là do không bố trí được vốn, cộng thêm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn DA do nhà nước đầu tư, đáng lẽ sau khi có quyết định phê duyệt thì phải bố trí được vốn để triển khai xây dựng, nhưng thời điểm đó lại để cho nhà thầu bỏ tiền ra san lấp mặt bằng, thi công một số hạng mục với giá trị gần 20 tỉ đồng, rồi sau đó lại không có tiền để trả cho nhà thầu vì không bố trí được vốn.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VH-TT Ninh Bình, chỉ trả lời ngắn gọn: “DA đã hết thời hạn và vấn đề cần giải quyết là nguồn tiền thanh toán cho nhà thầu và việc tiếp tục triển khai DA theo hình thức nào. Sở chúng tôi cùng các đơn vị liên quan đang tham mưu cho tỉnh để thực hiện việc thanh quyết toán khối lượng đã thi công và để giải phóng DA”.

Như vậy, dù 3,2 ha “đất vàng” đã hoang phí suốt 21 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào khu đất này mới được sử dụng, sử dụng vào mục đích gì, DA gì. Trong khi đó, cuộc sống người dân vẫn tiếp tục chìm trong khó khăn vì không may nằm trong vùng quy hoạch DA.

Hoang phí 'đất vàng'

Hoang phí 'đất vàng'

'Bánh vẽ' ở nhiều khu đất vàng ven biển

Nản lòng với 3 dự án siêu 'treo'

Ôm hơn 4 ha 'đất vàng' rồi bỏ hoang

Dự án bị bỏ hoang 17 năm

7 năm địa phương nhận lấy bãi cỏ dại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.