Tiến sĩ Trần Trọng Dương , người dành nhiều thời gian cho nghiên cứu các tư liệu cổ về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa trong những năm qua, khi nói về sự kiện lịch sử quan trọng này đã dẫn lại nhận xét của phái viên Pháp ở Đông Dương Dubois de Jancigny, khẳng định: bằng hành xử xác lập chủ quyền theo thông lệ quốc tế một cách có ý thức, Hoàng đế Gia Long đã chủ ý đính Hoàng Sa như “một đóa hoa độc nhất vô nhị” điểm trên vương miện của mình.
|
Cắm cờ xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa
Thưa tiến sĩ, chúng ta phải hiểu thế nào về “đóa hoa độc nhất vô nhị” trên vương miện của vị hoàng đế này?
Trong nhiều năm bôn ba phục quốc, Hoàng đế Gia Long Nguyễn Ánh cũng cộng tác với rất nhiều người phương Tây với mục đích tận dụng và học hỏi các tri thức khoa học của họ, từ kỹ thuật xây thành vô-băng (vauban - PV) cho tới kỹ thuật đúc súng, đóng tàu thuyền, vẽ bản đồ... Thậm chí, ông còn mời cả những kỹ sư phương Tây có trình độ về làm quan, phục vụ trong triều đình của mình. Những hành động như thế khiến trong suốt thế kỷ 20, vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn bị mang tiếng là “cõng rắn cắn gà nhà”.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Hoàng đế Gia Long là một trong những ông vua quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam bởi ông là người có khả năng tư duy hệ thống, và một tầm nhìn viễn kiến mang tính vĩ mô trong công cuộc xây dựng đế chế với tư tưởng đại nhất thống. Kết quả, ông là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xây dựng và sở hữu một lãnh thổ rộng nhất cho đến thời điểm đó, và dải đất hình chữ S như hiện tại có công lao lớn nhất của Hoàng đế Gia Long.
Nhiều người vẫn nghĩ Hoàng đế Gia Long là một mẫu hình đế vương kiểu Nho giáo và lý thuyết ông xây dựng chính quyền cũng là lý thuyết, mô hình của Nho giáo. Điều này là xác đáng. Tuy nhiên, sự kiện ông cho kéo lá cờ quốc gia để xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa là hành động mang tính thông lệ quốc tế một cách có ý thức. Ông là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý thức hành xử chủ quyền theo thông lệ quốc tế, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân bắt đầu bước vào giai đoạn cực thịnh với mô hình đế chế biển.
Quá trình xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa theo thông lệ quốc tế một cách có ý thức mà ông nói tới đã được Hoàng đế Gia Long thực hiện ra sao?
Ngày 1.7.1803, một năm sau khi lập quốc, Gia Long đã sai người mộ dân đinh lập đội Hoàng Sa như một sự thể hiện sở hữu mang tính nhà nước thông qua việc tái lập và tái vận hành hình thức khai thác vốn được xác lập từ trước đó, tức là thực thi sở hữu Hoàng Sa bằng một đội “công sai chuyên trách” mang tên quần đảo này. Nước ta khi đó là quốc gia duy nhất trong khu vực có thiết lập một tổ chức nhà nước mang danh hiệu “Hoàng Sa” để thực hiện nhiệm vụ kinh tế và quân sự tại Biển Đông và quần đảo này.
Thông qua đội Hoàng Sa, Gia Long liên tục có những thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa cũng như Biển Đông. Đại Nam thực lục ghi: “Tháng 2 năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815)... sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa thăm dò, đo đạc đường biển... Năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816),... sai thủy quân cùng đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa thăm dò, đo đạc thủy trình”.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là Hoàng đế Gia Long lần đầu tiên đã cho kéo cờ trên Hoàng Sa như một tuyên xưng chủ quyền theo thông lệ quốc tế. Các hoàng đế trước Gia Long có thể đưa người ra quản lý, thậm chí có thể có cả thủy binh song lại không hề có ý niệm hành xử theo thông lệ quốc tế vì theo tinh thần Nho giáo, họ mặc nhiên coi đó là của mình.
Nỗi tiếc nuối của người phương Tây
Như vậy hành xử tuyên bố chủ quyền của Hoàng đế Gia Long đối với Hoàng Sa hẳn phải được nhiều sử liệu phương Tây ghi lại?
Sự kiện vua Gia Long tuyên bố chủ quyền và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa không chỉ được ghi lại trong nhiều sử liệu trong nước như Đại Nam thực lục mà còn được nhiều sử liệu của phương Tây xác nhận. Giáo sĩ Jean Louis Taberd (1794 - 1840) - một bề tôi cũ của nhà Nguyễn trong cuốn biên khảo của ông (xuất bản năm 1937) đã viết, đại ý: việc Gia Long “giá lâm” và cắm lá cờ của mình vào năm 1816 đã chính thức thực hiện việc chiếm hữu Hoàng Sa và nó sẽ khiến cho không có kẻ nào có thể tìm cách phản đối ông được.
Trong một bài báo khác Taberd cũng ghi rõ quá trình vua Gia Long đã cắm lá cờ chủ quyền trên Hoàng Sa và chính Taberd đã viết một cách hiển ngôn rằng đây là một sự đáng tiếc đối với người phương Tây vì họ là người đến sau.
Điều này có nghĩa là các sử gia phương Tây cũng công nhận thông điệp về chủ quyền nhà nước đối với Hoàng Sa của Hoàng đế Gia Long?
Để nói về sự công nhận này, tôi có thể nhắc lại về 2 tấm bản đồ rất quan trọng trong việc chứng minh chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1828, tức 12 năm sau khi lá cờ của vua Gia Long bay trên Hoàng Sa, tập bản đồ (atlas) thế giới về địa lý tự nhiên, chính trị, thống kê và khoáng sản (Atlas Universel de géographie physique, politique, statistique et minéralogique) được xuất bản tại Hà Lan đã vẽ Paracel (Hoàng Sa) như là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Đây cũng là bản đồ thế giới vẽ chính xác nhất về Hoàng Sa. Quan trọng nhất, tác giả đã thể hiện Paracel trong nhóm bản đồ về chính quyền Việt Nam đương thời (bản đồ 106 Partie de la Cochichine) cho thấy, Paracel đã được công nhận như một phần lãnh thổ của Vương quốc An Nam khi đó.
Mười năm sau bộ atlas này, năm 1838, Giáo sĩ Taberd là người đầu tiên xuất bản bản đồ nước An Nam, tức là An Nam đại quốc họa đồ tại Ấn Độ, bằng tiếng Latin, với tham vọng đây là bản đồ chi tiết nhất, đầy đủ nhất về nước Đại Nam giai đoạn đó. Trong tấm bản đồ này, Taberd cũng vẽ quần đảo Paracel Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam dưới triều vua Minh Mạng.
Tiến sĩ Trần Trọng Dương (39 tuổi - ảnh) hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu gồm: văn hiến học, ngôn ngữ học lịch sử, lịch sử cổ trung đại, biểu tượng tôn giáo. Ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu như: Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục; Kiến trúc một cột thời Lý; Nguyễn Trãi quốc âm từ điển; Lý thuyết và thực hành chữ Nôm; Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ, Đào Uyên Minh toàn tập, Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư và gần đây nhất là Việt Nam thế kỷ 10 - những mảnh vỡ lịch sử, Phạm Thái toàn tập.
|
Bình luận (0)