|
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 1: Người giữ cờ
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 2: Cuộc tấn công bằng 'bom' nước
>> Vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép: Các nhà báo quốc tế có mặt tại Hoàng Sa nói gì?
>> Không một quốc gia nào công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Hoàng Sa
>> Những khoảnh khắc 'đời thường' nơi đầu sóng Hoàng Sa
Độc nhất vô nhị, trên tàu đi biển
Thuyền trưởng tàu KN-767 Đinh Hữu Đoan dân An Dương (Hải Phòng), nhưng vợ con đang sống tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Chả biết có phải quê gốc làng Đằng Hải, nức tiếng trồng hoa nuôi ong không, mà chăm chút tổ ong, hơn cả chu đáo.
Mỗi ngày ít nhất 2 cuộc chạm trán với tàu Trung Quốc, nhưng cứ thoát khỏi vùng nguy hiểm, ra vị trí tập kết là Đoan lại nhường tay lái cho thuyền phó, chạy ra ngoài nhìn ong và huỳnh huỵch chạy vào phòng riêng, mang ra thìa đường - hòa nước làm đồ ăn cho đàn ong.
Đoan kể: Tổ ong kết cách đây mấy tháng, lúc tàu nằm trong bờ. Khi ra nhận nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, thời tiết biển rất xấu, sóng to gió lớn, cứ nghĩ rời khỏi cảng hướng ra cửa vịnh Cam Ranh là cả đàn sẽ bay vào những rừng cây ven bờ vịnh, nhưng rất lạ là đàn ong vẫn “bám trụ” cùng con tàu. Duy nhất có điều khác ong trong bờ là ngoài biển không có hoa quả kiếm ăn, nên anh em phải dành dụm các phần đường ngọt, làm thức ăn cho ong.
Ở biển xa, đến con người còn thiếu thốn vất vả, nên “bát đựng thức ăn” cho ong là phần đáy nửa chai nước suối buộc vào cột và “thìa” là mẩu giấy, chấm nước đường, vẩy vào tổ ong.
“Bên tàu Trung Quốc quan sát thấy anh em chăm ong, rất muốn dùng vòi rồng bắn rụng tổ ong nên toàn nhằm sau lái phun nước!” - Kiểm ngư viên Đặng Văn Hà thật thà kể vậy và lắc đầu: “Sau mỗi trận bắn nước, lại phải rửa bát đựng và thay nước đường mới, kẻo dính nước mặn, ong chết hết!”.
|
Thuyền trưởng Đoan nghe vậy cười: “Đây là tổ ong may mắn, chả con tàu đi biển nào có đâu!”, khiến tôi những ngày sau đó, cũng hì hục cùng các kiểm ngư viên cho... ong ăn, ngày “măm” nước đường 3 lần. Hình như phía tàu Trung Quốc cũng biết sự chăm chút nhiều thêm, nên mỗi dịp chạm trán, cứ vè vè theo mạn phải tàu, chăm chú nhìn... thán phục.
“Ong ve” trên trời
Nếu đàn ong trên tàu KN-767 được toàn biên đội quan tâm, thì ngược lại, loại “ong ve” trên trời bị căm ghét và liên tục phải cảnh giác. Đó là những máy bay các loại của Trung Quốc, vừa đều đặn vừa đột ngột xuất hiện phía trên đội hình để quan sát, quay phim - chụp ảnh hoặc uy hiếp, khiêu khích.
Sáng 12.5, khi tàu kéo 226 của Trung Quốc bắn nước vào tàu HP-926 của Viêt Nam và HP-926 dùng vòi cứu hỏa cảnh cáo lại, 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc trọng lượng lớn là 2401 và 32101 tăng tốc chạy tới, tập trung bắn nước trấn áp. Cũng ngay thời điểm đó, 1 máy bay trực thăng Trung Quốc lao tới, quần đảo trên đầu tàu HP-926 đe dọa.
Cũng máy bay này, gần trưa đã vòng rộng trên khu vực toàn Biên đội tàu Kiểm ngư Vùng 4 đang dừng nghỉ ban trưa, quan sát động tĩnh.
Buổi chiều cùng ngày, khi các tàu Kiểm ngư đang di chuyển, 1 máy bay trinh sát cánh bằng của Trung Quốc, loại trinh sát trên không lượn trên toàn khu vực dàn khoan, hạ thấp đội cao khi đi qua đội hình tàu Việt Nam.
|
Thằng bé bắt anh em dũng cảm theo
Hoàng Quốc Dân là thành viên trẻ nhất trong Biên đội tàu Kiểm ngư Vùng 4, Cục Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa. Dân sinh ngày 1.8.1994, quê ở Tân Hưng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Mới gia nhập lực lượng Kiểm ngư được mấy tháng, chuyến đi biển đầu tiên trong đời chàng trai trẻ lại ở ngay Hoàng Sa. Mấy ngày đầu Dân bị say sóng, nằm gục trong phòng. Sau, Dân gượng dậy lần lan can đi lại cho quen và thực sự quen sóng, ở ngày thứ 3. Tuy trẻ tuổi, nhưng trong ngạch Hàng hải, Dân vẫn đều đặn tham gia các ca trực ngày - đêm cùng các kiểm ngư viên, thậm chí còn xin làm thêm các nhiệm vụ khác với lý do: “Con còn nhỏ, phải giúp các chú làm việc lớn!”. Thức đêm nhiều, ngày ngủ chỉ 5-6 tiếng đồng hồ, ăn uống kham khổ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn chật hẹp, nhưng Dân không một lời kêu ca than phiền. Ngược lại, lúc nào cũng cười tươi, khiến mọi thành viên trên tàu đều khen: “Thằng bé bắt mọi người phải dũng cảm nhiều thêm!”. Khi được tôi hỏi có sợ không, Dân lại cười tươi: “Các anh các chú không sợ. Sao con phải sợ?”... |
Liên tục trong những ngày tác nghiệp trên tàu kiểm ngư, tôi đều chứng kiến các máy bay trực thăng, vận tải cỡ lớn, trinh sát trên không và nhất là máy bay phản lực chiến đấu bay trên khu vực tàu Việt Nam làm nhiệm vụ.
Các máy bay trực thăng, ban ngày làm công việc quay phim chụp ảnh tàu Việt Nam, ban đêm bay treo trên đầu đội hình tàu ta để định vị mục tiêu cho các vũ khí hạng nặng khác, trong trường hợp có tấn công hay xảy ra xung đột.
“Số lượng, thời gian chuyến bay tăng đột biến khi có tàu từ bờ tăng cường hoặc tiếp tế xăng dầu, nước ngọt, lương thực thực phẩm!” - ông Phan Đình Cát, cán bộ Kiểm ngư Vùng 4, phụ trách Biên đội tàu cho biết vậy và khẳng định: “Nhiều trường hợp, tàu Trung Quốc đột ngột cản đường tiến của tàu ta, định tạo hiện trường bị đâm va, cho máy bay đợi sẵn ghi hình!” (còn tiếp).
Mai Thanh Hải
>> Video clip: Đêm tiếp cận giàn khoan trái phép Hải Dương-981
>> Tàu kiểm ngư tiến sâu, gây áp lực buộc Trung Quốc sớm rút giàn khoan
>> Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép cạnh giàn khoan Hải Dương-981
>> Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ngay khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981: Chuyện những tấm đệm của tàu Hải cảnh Trung Quốc
Bình luận (0)