Việc Trung Quốc dần thay thế vị trí của Mỹ, thống lĩnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu đang không còn là lời cảnh báo.
Đầu tháng này, Tổ chức Tortoise Intelligence đã công bố báo cáo mang tên The Global AI Index, nhằm xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ trong lĩnh vực AI. Theo đó Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về phát triển AI trong khi Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất và với nhịp tăng trưởng hiện tại, có khả năng nước này sẽ vượt Mỹ trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Mới đây, giáo sư chính trị học Graham Allison (Đại học Harvard, Mỹ), tác giả quyển sách “Định mệnh chiến tranh" cũng đã đưa ra lời cảnh tỉnh rằng nước Mỹ sẽ không mãi dẫn đầu.
|
Công nghệ AI, “bom nguyên tử” của tương lai
Đề cập trong bài viết mới đây trên chuyên trang National Interest, giáo sư Graham Allison đã ví công nghệ AI như một loại “bom nguyên tử" mới, tức quốc gia nào thống lĩnh công nghệ này sẽ có khả năng chi phối cục diện kinh tế - chính trị toàn cầu, bởi đây chính là động lực cho sự phát triển của mọi mặt đời sống nhân loại trong tương lai gần.
Đối với nhiều người, AI có thể là một thành tựu mới và xa vời. Tuy nhiên, khái niệm đầu tiên về công nghệ này đã xuất hiện từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, tức cách đây xấp xỉ 60 năm. Năm 1956, John McCarthy, một nhà khoa học máy tính và khoa học nhận thức người Mỹ, đã lần đầu tiên giới thiệu khái niệm “Trí tuệ nhân tạo” tại Hội nghị Dartmouth. Từ đó, khái niệm này đã được sử dụng rộng rãi trong giới học giả, mang ý nghĩa là bộ môn khoa học và kỹ thuật chế tạo máy thông minh.
Sau hơn 60 năm ra đời và phát triển, nhất là trong 20 năm đầu tiên của thế kỷ này, AI đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu. Một số sự kiện nổi bật về AI trong giai đoạn này bao gồm việc robot mang tên Sophia được thiết kế để cử động giống con người và có trí thông minh nhân tạo lần đầu ra mắt thế giới vào năm 2015 và được Ả Rập Xê Út cấp quyền công dân vào năm 2017.
Năm 2016, AI được phát triển bởi DeepMind đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Lee Sedol. Sự kiện này khiến nhiều chuyên gia trên thế giới lên tiếng lo ngại về nguy cơ robot, với khả năng tự học, tự nâng cấp, có thể vượt qua và thống trị con người trong một ngày không xa.
Cũng trong năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định rằng AI là tương lai của toàn nhân loại. “Đây sẽ là cơ hội khổng lồ nhưng cũng là mối đe dọa khó lường. Ai làm chủ AI lĩnh vực này, đồng nghĩa sẽ trở thành bá chủ thế giới”, ông Putin tuyên bố với truyền thông Nga.
|
Nước Mỹ không mãi dẫn đầu
Là một lĩnh vực được xem công nghệ quyết định tương lai, AI đã trở thành một chiến trường mới cho các quốc gia chạy đua nhằm nâng cao vị thế, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc đối đầu giữa hai cường quốc công nghệ nhất, nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Có lẽ, nhiều người Mỹ vẫn nghĩ vị thế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của nước này là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên theo giáo sư Allison, Trung Quốc đang thật sự là đối thủ đáng gờm của nước Mỹ, nhất là trong việc ứng dụng AI vào quốc phòng, thương mại. Từ công nghệ nhận diện khuôn mặt, fintech (công nghệ trong tài chính) đến máy bay không người lái hay công nghệ 5G, Trung Quốc không chỉ bắt kịp mà còn vượt Mỹ trong một vài lĩnh vực. “Bắc Kinh không chỉ đang cố gắng làm chủ AI, mà họ còn đang rất thành công”, học giả Mỹ cho hay.
Cũng theo giáo sư Allison, gần đây, sự phát triển AI ở Trung Quốc nhanh đến mức những ai không theo dõi chặt chẽ, có thể dễ dàng bỏ lỡ quá trình này.
|
Cuối năm 2015, khi đánh giá sự cạnh tranh quốc tế của mình, các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Google, Microsoft, Facebook hay Amazon vẫn còn chưa nhìn nhận rõ những đe dọa từ những doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng chỉ 1 năm sau, khi xảy ra sự kiện cỗ máy AI của DeepMind đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Trung Quốc Kha Khiết, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng đây là công nghệ mà Trung Quốc phải dẫn đầu. Ông đã đặt ra các mục tiêu 5 năm cụ thể cho giai đoạn 2020 và 2025, để đưa Trung Quốc tiến đến vị trí dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030.
|
Một năm sau chỉ thị của ông Tập Cận Bình, doanh nghiệp Trung Quốc đã chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn chủ sở hữu trong các công ty khởi nghiệp AI trên toàn cầu. Năm 2018, vượt qua Mỹ và Nhật, Trung Quốc trở thành quốc gia sở hữu số lượng bằng sáng chế về AI nhiều nhất thế giới.
Ngoài ra, theo báo cáo của Tortoise Intelligence, chính phủ Trung Quốc còn cam kết đầu tư nguồn lực đáng kể cho chiến lược phát triển công nghệ mới, với 22 tỉ USD dành riêng phát triển AI trong 10 năm tới.
|
Đề cập đến nguyên nhân để Trung Quốc có cơ hội soán ngôi đầu, giáo sư Allison cho rằng nước Mỹ đang không thật sự quyết tâm, trong khi Trung Quốc “đơn giản là quyết tâm hơn để giành chiến thắng” và tận dụng những ưu thế hiện có tốt hơn.
Tuy nhiên, vị học giả cũng nói rằng nếu nước Mỹ kịp thời “thức tỉnh trước thách thức” và thực hiện một chiến lược quốc gia ngay từ bây giờ thì lợi thế có thể vẫn sẽ còn ở lại nước Mỹ.
Bình luận (0)