Học giả quốc tế khẳng định 9 lô dầu khí Trung Quốc mời thầu đều nằm tại Việt Nam

28/06/2012 15:10 GMT+7

* Mỹ muốn nghe thêm về Bộ quy tắc ứng xử biển Đông

(TNO) Tại Hội nghị về biển Đông do Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington (Mỹ) trong hai ngày 27 và 28.6, trả lời TTXVN, một số học giả quốc tế khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vừa mời thầu thăm dò, khai thác là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

>> Trung Quốc mở thầu 9 lô dầu khí là việc làm sai trái
>> PVN yêu cầu công ty Trung Quốc hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái
>> Yêu cầu Trung Quốc hủy quyết định lập “thành phố Tam Sa”


Bản đồ vị trí 9 lô dầu khí công ty Trung Quốc mời thầu sai trái - Ảnh: Mai Hà

Hành động này của Trung Quốc đã được ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia, nêu ra trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên biển Đông.

Ông khẳng định các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN sau đó, ông Thayer cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô mà "tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại.

Cùng chung quan điểm, tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ, cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ hai lần" trước khi quyết định.

Trước đó, học giả Việt Nam, tiến sĩ Trần Trường Thủy, cũng đề cập đến diễn biến mới nhất này. Ông đưa ra bản đồ 9 lô trên biển Đông mà Trung Quốc mời thầu, khẳng định các lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không phải là khu vực tranh chấp.

Nhận xét về Luật Biển mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, giáo sư Thayer khẳng định đây là một "diễn biến rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nói "đến năm 2025, một nửa GDP của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành...".

Mỹ muốn nghe thêm về Bộ quy tắc ứng xử biển Đông

Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) là chủ đề được bàn thảo khá nhiều trong ngày đầu tiên của Hội nghị về biển Đông do Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington (Mỹ) trong hai ngày 27 và 28.6.

Phát biểu tại hội nghị, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Kurt Campbell cho biết Mỹ thấy được động lực trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhằm xây dựng COC để hạ nhiệt những căng thẳng sâu sắc về chủ quyền tại biển Đông.

Biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề được nhắc đến nhiều khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Camcuphia vào tháng tới để tham dự hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị sau hội nghị Bộ trưởng (PMC).

Ông Campbell nói ông biết rằng có một dự thảo về COC đang được thảo luận và Mỹ muốn nghe thêm nhiều chi tiết tại hội nghị ở Campuchia, theo AFP.

“Điều chúng tôi nhận thấy trong thời gian gần đây là sự tăng cường ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc về những khía cạnh liên hệ đến một bộ quy tắc ứng xử tiềm tàng”, ông Campbell phát biểu tại hội nghị có tên “Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương trong chuyển đổi: Khám phá những chọn lựa giải quyết tranh chấp”.

“Tôi muốn nói rằng chúng tôi hết sức ấn tượng với mức độ chú trọng mà ASEAN dành cho vấn đề này”, ông Campbell nói.


Một đoàn các nhà làm luật Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough tranh chấp với Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Ông Campbell nói Washington sẽ không chọn đứng về phía bên nào trong các tranh chấp ở biển Đông và sẽ tiếp tục ủng hộ đối thoại nhằm mục tiêu gác lại những khác biệt trong khu vực.

Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về COC song đạt được rất ít tiến triển bởi Trung Quốc thích đàm phán với từng nước hơn thay vì thương lượng với cả khối thống nhất.

Tại hội nghị ở Phnom Penh vào tháng 4, ngoại trưởng các nước ASEAN nói họ hy vọng sẽ thu hẹp cách biệt và ký kết COC với Trung Quốc vào cuối năm nay.

Dè dặt về COC

Tuy nhiên, cũng tại hội nghị ở Washington hôm 27.6, một số chuyên gia đã tỏ ra dè dặt rằng COC sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp lâu đời ở biển Đông.

Ông Carlyle Thayer, giáo sư thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói những vấn đề cơ bản vẫn tồn tại giữa ASEAN và Trung Quốc và chỉ đơn giản một COC không đủ để xoa dịu căng thẳng.

“Tranh chấp chủ quyền vẫn còn. Không có viễn cảnh về một sự dàn xếp giữa các nước”, ông Thayer nói.

Ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đồng ý rằng các nguyên tắc ứng xử mới sẽ không giúp giải quyết tranh chấp lãnh thổ và ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia tại biển Đông.

“Chúng là cơ chế quản lý xung đột, không phải là cơ chế giải quyết xung đột. Chúng không cung cấp một cơ chế giải quyết các tuyên bố chủ quyền hoặc tuyên bố ranh giới trên biển”, ông Storey nói.

TTXVN - Sơn Duân

>> Hội nghị biển Đông tại Washington
>> Bắc Kinh “lấy thịt đè người” trong tranh chấp biển Đông
>> Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình
>> ASEAN muốn hỗ trợ giải quyết tranh chấp biển Đông
>> Philippines tố tàu Trung Quốc trở lại Scarborough
>> Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi bãi cạn Scarborough
>> Philippines điều máy bay giám sát Scarborough
>> Philippines có thể điều tàu trở lại bãi cạn Scarborough
>> Philippines lo bị “gài” trong vụ rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough
>> Philippines rút tàu tuần duyên khỏi bãi cạn Scarborough
>> Philippines sẽ đưa tranh chấp Scarborough ra tòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.