Vấn đề này đã được chuyên gia đến từ các trường ĐH và CĐ giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề “Chọn ngành học tương lai với khối ngành kỹ thuật - kiến trúc - thiết kế - mỹ thuật” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5.3.
Chương trình trực tuyến trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
“Không phải ai muốn cũng học được”
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, các ngành thuộc khối thiết kế và mỹ thuật được xem là những ngành đặc thù và cần có năng khiếu nên không phải ai muốn học cũng được. Hiện nay nhu cầu và quan niệm xã hội về các ngành này cũng khác trước nhiều, nhu cầu nhân lực tiếp tục tăng trong thời gian tới. Một số ngành quen thuộc hiện được đào tạo ở nhiều trường như kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất... Riêng ngành tạo dáng công nghiệp dù nhu cầu xã hội rất lớn nhưng còn ít trường đào tạo.
Tương tự, thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: “Không phải ai cũng có thể trở thành kiến trúc sư, một nhà thiết kế thời trang mà người đó cần có sự đam mê và năng khiếu nhất định mới có thể đeo đuổi được”.
Do vậy, theo thạc sĩ Nam, các ngành kiến trúc, thiết kế đồ họa của trường đều xét các tổ hợp có chứa môn vẽ để đáp ứng yêu cầu năng khiếu của người học. Thí sinh có thể tham dự kỳ thi vẽ tại trường hoặc nộp kết quả thi vẽ của trường khác để xét tuyển như: Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang…
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng khối ngành kiến trúc, mỹ thuật không phải ai học cũng được. Đây là ngành cần tư duy sáng tạo liên tục, do đó để trúng tuyển cần vượt qua những kỳ thi kiểm tra năng khiếu do trường hoặc trường khác tổ chức mới có thể tham gia xét tuyển.
Tiến sĩ Lê Vĩnh An, Trưởng khoa Kiến trúc và mỹ thuật Trường ĐH Duy Tân, cũng nhấn mạnh: “Ngành kiến trúc tại trường không thể thiếu môn vẽ. Ngành này trường đào tạo 5 năm, thời lượng đào tạo tối thiểu 170 tín chỉ”. Lý giải vai trò của năng khiếu, theo tiến sĩ Lê Vĩnh An, hiện nay các công nghệ đang giúp nhiều cho kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế. Tuy nhiên nó không thể thay thế hoàn toàn cho việc sáng tạo của con người mà chỉ là những phần mềm hỗ trợ kỹ thuật hơn là hỗ trợ sáng tạo.
Cũng đào tạo ngành kiến trúc, Trường ĐH Việt Đức có 2 hướng cho thí sinh lựa chọn. Theo tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo trường này, thí sinh dự thi để xét vào ngành kiến trúc bằng kỳ thi TestAs vào tháng 5 sẽ thi theo đề khối kỹ thuật, không yêu cầu thí sinh dự thi môn vẽ. Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia có thể sử dụng kết quả thi môn này từ trường khác để xét tuyển (khối V00, V02).
Cần đam mê hay sự tò mò ?
Đạo diễn - thạc sĩ Trịnh Đình Lê Minh, Trưởng bộ môn quản trị công nghệ truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết các ngành thiết kế và nghệ thuật của trường ngoài các phương thức tuyển sinh chung còn có phương thức tuyển riêng theo yêu cầu của ngành. “Trong đó, chúng tôi không yêu cầu điểm đầu vào môn vẽ với ngành này vì 2 năm trước chúng tôi nghiệm ra sinh viên không nhất thiết phải có khả năng này trước đó. Thay vào đó chỉ cần thể hiện sự quan tâm đặc biệt và niềm đam mê về thiết kế”, đạo diễn Lê Minh chia sẻ.
“Nhiều trường ĐH trên thế giới như Mỹ cũng không tổ chức kỳ thi vẽ mà có thể dựa vào điểm một kỳ thi độc lập, điểm học phổ thông, thư bày tỏ nguyện vọng hoặc một hồ sơ thể hiện năng khiếu bản thân người dự tuyển...”, đạo diễn này nói.
“Điều quan trọng nhất khi theo đuổi nhóm ngành thiết kế không hẳn là đam mê mà chính là sự tò mò. Khi bạn sở hữu trong mình sự tò mò này, luôn có những câu hỏi làm sao tạo ra những sản phẩm như vậy, thì hãy mạnh dạn theo đuổi ngành học này. Sự tò mò sẽ giúp vượt qua mọi trở ngại về năng khiếu, ngoại ngữ… Mục đích lớn nhất của người này là muốn có khả năng làm ra một sản phẩm khác biệt chứ không phải một công việc hay chức danh nhà thiết kế. Chính sự tò mò tạo ra sự sáng tạo trong công việc này”, nhà thiết kế Thu Hằng nhấn mạnh.
Bình luận (0)