Học kỳ đầu tiên của những tài năng thể thao ở ĐH Quốc gia Hà Nội

Quý Hiên
Quý Hiên
28/05/2021 06:30 GMT+7

Sau khi trở thành sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội , cầu thủ bóng đá Quang Hải chỉ kịp học được mấy buổi đầu. Nhưng 12 vận động viên - sinh viên cùng lớp TT 1 của Quang Hải vẫn lên lớp học trực tuyến đều đặn.

Từ 7.5, những sinh viên khóa 1 đại học chính quy chương trình quản trị kinh doanh dành cho tài năng thể thao (gọi tắt là lớp TT 1) đã bắt đầu chương trình học với 2 môn, kinh tế vi mô và kỹ năng làm việc nhóm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đều phải học trực tuyến, nên các tài năng thể thao lớp TT 1 cũng bắt đầu cuộc đời sinh viên của mình bằng những giờ học trực tuyến.
Trước đó, ngày 12.4, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã khai giảng chương trình quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao khóa 1. Đây là chương trình được xây dựng dành riêng cho các vận động viên chuyên nghiệp, cung cấp nền tảng kiến thức, kỹ năng, bài học thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và kinh doanh, mở rộng cơ hội việc làm sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.

Học cũng không quá mệt

Theo bà Nguyễn Thị Thư, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, đây là một chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho đối tượng tuyển sinh đặc biệt nên trường đã sắp xếp cho lớp một thời khóa biểu có tính linh hoạt, dựa vào khả năng sắp xếp thời gian của người học. Theo đó, từ ngày 7.5 đến 26.6, sinh viên lớp TT 1 được học 2 học phần. Mỗi tuần học 9 tiếng, dồn vào các ngày cuối tuần, thậm chí phải học cả buổi tối.
Theo các sinh viên, qua những buổi học đầu tiên, họ cảm nhận việc học rất vui, buổi học trôi qua trong không khí sôi nổi, không khiến các sinh viên - vận động viên thấy mệt nhoài như trên sân tập.
Sinh viên - vận động viên bóng chuyền Nguyễn Thu Hoài chia sẻ: “Thế mạnh của mình là vận động viên chuyên nghiệp rồi. Khi tham gia học ĐH, mình có thể mở rộng thêm kiến thức bên ngoài hoạt động thể thao. Sau khi tốt nghiệp ĐH, mình đã có lợi thế, là một vận động viên có tiếng tăm trong làng thể thao rồi, mình có thêm kiến thức nữa, sau này giải nghệ mình có nhiều cơ hội việc làm hơn. Cũng có thể mình sẽ làm hình ảnh cho đơn vị hay công ty nào đó, để người ta phát triển hơn.
Sau này, không phải ai cũng được làm huấn luyện viên hay giáo viên dạy thể dục ở các trường học. Nên nếu đã học xong một chương trình đại học thì mình sẽ có cơ hội, cơ hội đó giúp mình có thu nhập cao hơn”.
PGS Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Kinh tế phát triển, giảng viên dạy học phần kinh tế vi mô của lớp TT 1, đồng tình với nhận định trên. PGS Thịnh cho biết, việc học ĐH của các sinh viên - vận động viên tài năng không chỉ là để thoả mãn nhu cầu đi học. Bản chất của câu chuyện là chi phí và lợi ích. Chi phí chính là cái mà chúng ta bỏ ra, lợi ích là cái mà chúng ta thu được.

Học cũng "chuyên nghiệp" như tập luyện thể thao

Theo PGS Thịnh, sau khi dạy sinh viên lớp TT 1, ông thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình về khả năng theo đuổi con đường học đại học chính quy của các vận động viên chuyên nghiệp. Họ không chỉ chuyên nghiệp trong thể thao mà còn tỏ ra rất “chuyên nghiệp” trong sự nghiệp học hành.
“Các bạn ấy rất thông minh. Rất nghiêm túc về mặt thời gian, về thái độ học tập. Tất cả các bạn đều rất bận, nên chúng tôi phải rất chật vật để sắp xếp được thời gian dạy hợp lý. Vậy mà các bạn ấy đều rất đúng giờ, cứ đến giờ tôi bật cam lên là đã thấy cả lớp đều đợi sẵn sàng. Trong giờ học, các bạn rất chịu khó ghi chép, trao đổi, đưa ra được những câu hỏi thú vị, đầy tính gợi mở. Khi tôi đặt ra những câu hỏi có tính thực tiễn, các bạn ấy trả lời rất tốt”, PGS Thịnh chia sẻ.
PGS Thịnh cũng cho biết, ban đầu, khi nhận dạy lớp này, ông hơi “ngại”, vì chưa biết năng lực cũng như tinh thần học tập của các vận động viên tài năng thế nào. Một mặt, ông cũng như các giảng viên khác sẵn sàng thông cảm với nhiệm vụ chính mà các vận động viên tài năng đang phải gánh vác, nhưng mặt khác cũng đòi hỏi việc học tập phải đảm bảo chất lượng.
Khi quyết định nhận lớp, các giảng viên đều có ý thức đầu tư nhiều thời gian để chuẩn bị bài thật tốt, nhằm sử dụng thời gian lên lớp hiệu quả nhất. “Buổi đầu tiên, tôi cho cả lớp thảo luận về kế hoạch, mục tiêu học tập, qua đó ngầm đánh giá trình độ nhận thức cũng như thái độ học tập của sinh viên. Sau buổi học đâu tiên đó thì tôi thở phào nhẹ nhõm. Các bạn ấy đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn quan niệm trước đây về khả năng theo học ĐH của các vận động viên thể thao”, PGS Thịnh nói.
Một ưu điểm khác của lớp TT 1, theo PGS Thịnh, là ít sinh viên, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tương tác tích cực. Các sinh viên đều là những người giàu trải nghiệm trong tương tác xã hội nên mang lại cho người dạy cảm giác hào hứng.
Được biết, cho đến nay, nhìn chung các sinh viên đều lên lớp chuyên cần. Riêng cầu thủ bóng đá Quang Hải, do phải đi tập huấn, nên chỉ lên lớp được vài buổi đầu tiên. “Điều này cũng không đáng ngại, vì mỗi buổi học chúng tôi đều quay video và sau đó chia sẻ trên nhóm Zalo của lớp. Quang Hải có thể thu xếp thời gian xem lại các video này sau”, PGS Thịnh cho biết.

13 sinh viên - vận động viên tài năng

Lớp TT 1 có 13 sinh viên, là 13 vận động viên tài năng. Trong số này, người được công chúng biết đến nhiều nhất là Nguyễn Quang Hải, 24 tuổi, Quả bóng vàng Việt Nam năm 2018, cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á 2019.
Ngoài cầu thủ Quang Hải, lớp TT1 còn có các vận động viên điền kinh Quách Thị Lan, Quách Công Lịch; vận động viên bóng chuyền Nguyễn Thị Hoài; vận động viên wushu Nguyễn Thị Hằng; các vận động viên khiêu vũ thể thao Hoàng Khánh Huyền và Trịnh Hoàng Khải; 6 vận động viên karate, gồm Nguyễn Thị Mai Anh, Nguyễn Thanh Duy, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Hải, Chu Đức Thịnh, Trần Văn Vũ.
Trong đó, 11 người được xét tuyển dựa trên đánh giá hồ sơ nhờ là thành viên đội tuyển quốc gia tham gia các giải quốc tế chính thức. Ví dụ, Nguyễn Thu Hoài từng đoạt huy chương đồng giải bóng chuyền nữ U.23 châu Á năm 2019, Nguyễn Thanh Duy đoạt huy chương vàng karate ở SEA Games 2019, cầu thủ Nguyễn Quang Hải cũng đạt thành tích tương tự ở môn bóng đá.
Quách Thị Lan cùng Nguyễn Quang Hải còn nhận được học bổng từ trường nhờ thành tích xuất sắc và đăng ký xét tuyển sớm.
Riêng Hoàng Khánh Huyền và Trịnh Hoàng Hải ở bộ môn khiêu vũ thể thao trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên đánh giá hồ sơ và phỏng vấn dành cho thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.