Cơ hội nghề nghiệp và đãi ngộ tốt
Là kỹ sư nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch khi vừa mới ra trường, Nguyễn Đức Quang (23 tuổi), cựu sinh viên chuyên ngành kỹ thuật điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết bị hấp dẫn bởi công việc có tiềm năng phát triển và được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.
"Khi có yêu cầu thiết kế 1 vi mạch điện tử, mình sẽ phân tích những chức năng và bắt đầu suy nghĩ các kiến trúc để phác thảo ý tưởng. Sau đó, mình sẽ trình bày và được mọi người thống nhất theo phương án tối ưu nhất mới tiến hành triển khai kiến trúc và viết mã lập trình cho dự án đó", Quang mô tả công việc.
Theo Đức Quang, ngành này luôn làm việc với các khách hàng và đối tác nước ngoài, thậm chí tài liệu về thiết kế vi mạch cũng hoàn toàn là tiếng Anh nên cần đầu tư về ngoại ngữ. "Mức thu nhập cho nhân sự mới ra trường từ 12 - 15 triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực và số năm kinh nghiệm có thể lên đến 17 - 20 triệu đồng/tháng", Quang cho hay.
Cảm thấy hứng thú với các linh kiện điện tử từ khi còn học THPT và quyết định gắn bó với ngành học này, Phạm Huy Hoàng (23 tuổi), kỹ sư vi mạch của Công ty TNHH CoAsia Semi Việt Nam (Hà Nội), chia sẻ: "Ngành này thỏa mãn niềm đam mê tìm hiểu về hoạt động các linh kiện máy tính của mình và có mức đãi ngộ rất ổn. Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của thiết kế vi mạch trong tương lai, kỹ sư ngày càng được trọng dụng nên mình càng muốn gắn bó với ngành".
Công việc chính của Hoàng là thiết kế chip hoạt động đúng theo chức năng yêu cầu và hằng ngày sẽ trao đổi với đối tác về những thay đổi thiết kế trong dự án. "Với thu nhập có thể nhảy vọt từ sau 5 năm kinh nghiệm, do đó ngành này đòi hỏi nhân sự phải đầu tư tích lũy khối lượng kiến thức lớn theo thời gian. Vì vậy, cần sẵn sàng trau dồi kiến thức từ trường học và có thể tham gia nhiều khóa học miễn phí từ các doanh nghiệp về thiết kế vi mạch", Hoàng nói.
Được doanh nghiệp nước ngoài ưu ái
Theo thạc sĩ Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia vi mạch bán dẫn, thành viên Ban Chấp hành Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), nhu cầu nhân lực cho ngành này tại VN đang rất lớn và dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới.
"Theo kết quả khảo sát thực hiện giữa HSIA và cộng đồng vi mạch VN vào tháng 7.2023, trung bình 1 doanh nghiệp mới có nhu cầu tuyển dụng từ 50 - 100 kỹ sư thiết kế vi mạch và dự báo nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng đều từ 10 - 15%/năm, tương đương 600 kỹ sư/năm. Riêng khối ngành liên quan đến đóng gói và kiểm thử sẽ có tốc độ tăng nhân lực nhanh hơn do có nhiều doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu hoạt động hoặc đầu tư mở rộng, như Amkor, Hana-Micro, Samsung và Intel Việt Nam", ông Vinh cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, các vị trí công việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bao gồm: thiết kế kiến trúc, logic, mạch số, mạch tương tự, mạch tín hiệu hỗn hợp, kiểm tra thiết kế và kỹ sư giải pháp thiết kế. Ngoài ra, nhân sự có thể làm việc tại các doanh nghiệp tuyển dụng tiêu biểu, như Marvel, Realtek, FPT Semiconductor, Viettel, Synopsys, Uniquify, ADTechnology, SemiFive, CoAsia, VnChip…
"Mức lương sau thuế trung bình cho các kỹ sư mới ra trường trên 210 triệu đồng/năm. Qua thống kê, chúng tôi nhận thấy thu nhập của nhân sự có nhiều hơn 7 năm kinh nghiệm thường cao gấp đôi và đã ghi nhận mức lương trên 1,5 tỉ đồng/năm cho vị trí kỹ sư hơn 15 năm kinh nghiệm", ông Vinh cho biết.
Theo ông Trần Minh Luân, quản lý cấp cao của Công ty VeriFast Technologies (Q.3, TP.HCM), ngành thiết kế vi mạch có cơ hội việc làm hấp dẫn, càng nhiều năm kinh nghiệm mức lương càng cao. "Nhân sự mới ra trường sẽ có mức lương khoảng 15 - 17 triệu đồng/tháng, thậm chí sau 1 - 2 năm có thể đạt từ 20 - 27 triệu đồng/tháng. Ngành này ngoài sự đột biến về thu nhập, còn có cơ hội được làm việc ở nước ngoài khá lớn, kinh nghiệm làm việc từ 3 - 5 năm sẽ được tuyển dụng tại các tập đoàn lớn ở Singapore, Malaysia…", ông Luân nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhấn mạnh đây là một ngành khá khô khan và có lượng kiến thức rất lớn, do đó đòi hỏi nhân lực phải có những tố chất khá đặc biệt, như: chăm chỉ, tỉ mỉ và được đào tạo bài bản.
Đánh giá về chương trình đào tạo và tiềm năng công việc, ông Vinh cho biết thêm: "Hiện chương trình giảng dạy các ngành có liên quan đến vi mạch thì chưa được cập nhật, hệ thống phòng thực hành trang bị kém, tài nguyên giảng dạy ở trường đại học rất hạn chế. Do đó, các doanh nghiệp thường tuyển dụng rồi đào tạo lại khoảng 6 tháng. Nhưng nếu người trẻ nhận thấy bản thân có năng khiếu về toán, vật lý, thích khám phá, tìm tòi các thiết bị điện tử, máy tính và đặc biệt yêu thích công nghệ, thì công việc vi mạch bán dẫn rất thích hợp".
Bình luận (0)