Cơ hội lớn, thách thức cũng không nhỏ
Trong hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI)" tổ chức tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vào ngày 24.12, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ mối bận tâm này.
Theo PGS-TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực AI đang tăng nhanh không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Tiến sĩ Phạm Trần Vũ nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, AI đóng vai trò then chốt ở nhiều lĩnh vực, từ quản lý, sản xuất đến giáo dục và đời sống. Sự phổ biến của AI, đặc biệt là ChatGPT, đã phản ánh rõ nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực trong ngành này.
Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Trần Vũ cũng cảnh báo rằng chỉ vì AI là ngành "hot" không đồng nghĩa với việc sẽ dễ dàng có việc làm.
"Nếu không rèn luyện kỹ năng, sử dụng thành thạo ngoại ngữ và không bắt kịp xu hướng công nghệ, bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải", PGS-TS Phạm Trần Vũ nói. Cũng theo PGS-TS Phạm Trần Vũ, điều này phản ánh một thách thức lớn mà người học AI phải đối mặt: không chỉ phải nắm vững lý thuyết mà còn phải thực hành liên tục, nâng cao kỹ năng để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận định mặc dù nhu cầu nhân lực AI đang gia tăng từ 10 đến 25%, nhưng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng lại rất thấp. TP.HCM đang đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực trình độ cao và khó khăn trong việc giữ chân nhân tài.
PGS-TS Nguyễn Văn Vũ cũng cho biết tình trạng đào tạo AI tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Vũ đề xuất TP.HCM cần có chiến lược và kế hoạch để tăng cường đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực AI. PGS-TS Vũ cũng dự báo rằng đến năm 2030, AI sẽ trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ TMA, Phó chủ tịch Liên minh công nghệ số Việt Nam, cho rằng mặc dù số lượng sinh viên ngành công nghệ thông tin khá lớn, nhưng số lượng được đào tạo chuyên sâu về AI lại còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu các chương trình đào tạo chuyên sâu, mà cần bắt đầu từ bậc THCS và THPT. Sau đó, mới tiến hành đào tạo chọn lọc ở các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước.
"Vì hệ thống đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều doanh nghiệp phải tự đào tạo nhân lực, gây khó khăn trong việc đảm bảo cả số lượng và chất lượng. Trước tình trạng này, tôi cho rằng TP.HCM cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực AI để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường", ông Hồng nói.
Cần phát triển AI tại Việt Nam thế nào?
PGS-TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết nhiều trường đại học tại Việt Nam đã bắt đầu chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo AI từ bậc đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ. Chương trình đào tạo này được thiết kế để phát triển toàn diện, bao gồm cả lý thuyết và khả năng ứng dụng thực tế, giúp sinh viên có thể sáng tạo và phát triển AI phục vụ đời sống.
PGS.TS Trần Minh Triết nhấn mạnh để đạt hiệu quả, cần có sự đầu tư hợp tác từ nhà nước, doanh nghiệp và sự kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước. Điều này, không chỉ giúp người học tiếp cận kiến thức mới, mà còn khuyến khích nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cũng dự báo rằng bức tranh về AI của TP.HCM sẽ rất rộng, sâu và phát triển nhanh chóng. Ông Thắng cảnh báo nếu không chuẩn bị kỹ về chính sách, đào tạo và năng lực, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển công nghệ AI.
"Hiện nay, chúng ta đang thực hiện việc tinh gọn bộ máy, điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu công việc và yêu cầu công việc ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, không có cách nào khác ngoài việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI và trợ lý ảo, để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc", ông Thắng nói.
Theo các chuyên gia, AI không chỉ là cơ hội nghề nghiệp lớn mà còn là thách thức yêu cầu người học phải chuẩn bị nghiêm túc từ kiến thức đến kỹ năng thực hành. Việc nắm bắt và cập nhật liên tục các xu hướng công nghệ sẽ là yếu tố quyết định để không chỉ tránh nguy cơ thất nghiệp mà còn nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp chất lượng trong ngành AI đầy tiềm năng. Để làm được điều này, việc đầu tư vào các chương trình đào tạo chất lượng là cần thiết để đáp ứng được nhu cầu nhân lực AI trong tương lai.
Lê Trần Viết Thịnh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bày tỏ: "Nhờ sự giải thích từ các chuyên gia, mình nhận thấy rằng AI sẽ là ngành mũi nhọn trong tương lai. Công nghệ này không thay thế con người, mà thay thế những ai không biết cách sử dụng AI. Điều này mở ra cơ hội lớn, nhưng cũng yêu cầu chúng ta phải chuẩn bị tốt cả về kiến thức và kỹ năng. Vì vậy, chúng mình cần học bài bản về trí tuệ nhân tạo kết hợp với phát triển kỹ năng mềm. Thực hành, cập nhật công nghệ mới và không ngừng học hỏi sẽ giúp giới trẻ duy trì sự cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong ngành AI".
Cùng bạn đến sự kiện, Sẩm Pí Diệu, học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, mang tâm tư rất lớn. Diệu chia sẻ: "Em rất đam mê AI và mong muốn theo đuổi trong tương lai. Tuy nhiên, đây là ngành mới mẻ và có sự cạnh tranh cao, em hơi lo không biết mình có đủ khả năng để bắt kịp xu hướng này hay không".
Bình luận (0)