Hôm nay 6.7, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết kỳ họp Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM vừa thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của 4 trường ĐH thành viên: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - luật và Trường ĐH Quốc tế. Tronng đó dự kiến học phí năm 2021 tăng cao.
Học phí 2021-2030: Từ 20,5 đến 70 triệu đồng/ năm
Theo đó, 4 trường này bắt thực hiện đề án tự chủ từ năm 2021 theo Đề án xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ giáo dục đào tạo của các trường. Đề án này nêu rõ mức xây dựng học phí dự kiến năm học của các trường từ 2021- 2030.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đề xuất mức học phí cho hệ chính quy năm 2021 là 25 triệu đồng; năm 2022 là 27,5 triệu đồng; các năm 2023, 2024 và 2025 là 30 triệu đồng. Tầm nhìn đến năm 2030, trường này đê xuất thu đủ mức học phí theo giá dịch vụ đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Trường ĐH Kinh tế-luật đề xuất mức học phí dự kiến năm 2021 là 20,5 triệu đồng; năm 2022 là 22,6 triệu đồng; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng. Tầm nhìn từ 2026-2030, Trường ĐH Kinh tế - luật dự kiễn mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng từ 10-15%.
Trường ĐH Công nghệ thông tin đề xuất mức học phí dự kiến năm 2021 là 25 triệu đồng; năm 2022 là 30 triệu đồng; năm 2023 là 45 triệu đồng; năm 2024 là 49,5 triệu đồng và năm 2025 là 54,4 triệu đồng.
Trường ĐH Quốc tế cũng xây dựng mức học phí dự kiến năm học 2021 là 50 triệu đồng; năm 2022 là 55 triệu đồng; năm 2023 là 60 triệu đồng; năm 2024 là 65 triệu đồng và năm 2025 là 66 triệu đồng. Tầm nhìn đến năm 2030, trường này đề xuất mức học phí là 72 triệu đồng.
Các đề án này xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo theo Thông tư 14/2019 của Bộ GD-ĐT ngày 30.8.2019 của Bộ GD-ĐT về phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo áp dụng trong lĩnh vực đào tạo và công văn theo quy định này của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo đó, giá dịch vụ đào tạo được xác định theo công thức gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao, hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư), chi phí quỹ khác.
Chính sách hỗ trợ người học
Kèm theo lộ trình tăng học phí này, đề án các trường cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ sinh viên.
Theo đó, Trường ĐH Bách khoa cho biết đảm bảo chi học bổng cho sinh viên xuất sắc, giỏi và sinh viên diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo quỹ học bổng tối thiểu 8% tổng nguồn thu học phí. Với phương án thu học phí đạt giá dịch vụ đào tạo như trên, trường này cam kết khoảng 33% sinh viên được nhận học bổng, tương ứng mức chi học bổng từ 10,5-10,8% nguồn thu học phí. Ngoài ra, trường còn tiến hành chương trình cho sinh viên vay học phí lãi suất thấp hoặc 0% và sẽ trả lại khi tốt nghiệp.
Bên cạnh chính sách học bổng trên, Trường ĐH Kinh tế - luật sẽ miễn giảm 100% học phí theo quy định nhà nước cho sinh viên chính sách, sinh viên nghèo và cận nghèo. Trong đó phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của nhà nước và mức học phí của trường, sẽ được trường cấp bù toàn bộ cho sinh viên.
Ngoài quỹ học bổng 8% học phí, Trường ĐH Quốc tế còn có quỹ nghiên cứu khoa học sinh viên khoảng 3% học phí, cam kết trích 8% quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên vay…
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng dự kiến sẽ tăng mạnh mức học phí khi chuyển qua thực hiện tự chủ toàn bộ, từ 30-70 triệu đồng trong năm học tới.
Bình luận (0)