Tăng học phí phải đi liền với tăng chất lượng đào tạo

Hà Ánh
Hà Ánh
24/06/2020 07:57 GMT+7

Xu hướng tăng học phí của các trường ĐH công lập khi chuyển sang mô hình tự chủ đang được nhiều người quan tâm. Đặc biệt là những cơ sở để xác định học phí và đảm bảo tăng học phí đi kèm với tăng chất lượng.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM.

Học phí chiếm trên 80% tổng thu của các trường

Học phí (HP) các trường ĐH công lập tự chủ được xác định trên những cơ sở cụ thể nào, thưa bà?
Tăng học phí phải đi liền với tăng chất lượng đào tạo1
        GS-TS Nguyễn Thị Cành -  Ảnh: NVCC
Khi chuyển qua tự chủ, các trường ĐH công lập ít nhất bị cắt khoản chi thường xuyên (chi điện nước, sửa chữa nhỏ…). Các khoản chi thường xuyên này trước đây nhà nước bao cấp từ ngân sách. Dù các khoản chi này quá thấp so với yêu cầu nhưng khi cắt đi thì các trường ĐH công lập phải tính khoản bù từ tăng HP.
Như vậy, HP của các trường công tính tăng lên trên cơ sở đủ để bù khoản thu từ ngân sách bị cắt (chi thường xuyên) và để một tỷ lệ cho quỹ phát triển hạ tầng của trường. Khi chưa chuyển qua tự chủ, HP trường ĐH công lập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/năm. Khi chuyển qua tự chủ, các trường thí điểm tự chủ có HP từ 13 - 14 triệu đồng/năm.
Theo GS, cách tính HP nào phù hợp nhất cho các trường ĐH của Việt Nam hiện nay?
Hiện mỗi trường có thể có cách tính khác nhau, nhưng HP phụ thuộc vào quy mô sinh viên (SV) cho một lớp học và mức chi bình quân trên SV gồm chi cho đội ngũ, chi hoạt động thường xuyên, chi khấu hao, tích lũy cho quỹ phát triển và hỗ trợ SV nghèo. Nếu các trường có các nguồn thu từ tài trợ và hoạt động nghiên cứu và dịch vụ thì các khoản thu này có thể bù một phần cho HP (khoản chi tích lũy cho quỹ phát triển), lúc đó HP sẽ thấp hơn các trường không có các hoạt động dịch vụ, nghiên cứu…

Tăng học phí phải đi liền với tăng chất lượng đào tạo và các trường phải có lộ trình tăng đi kèm với trách nhiệm công bố giải trình tăng chất lượng đào tạo như thế nào cho người học biết

GS-TS Nguyễn Thị Cành (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)

Số liệu mà tôi khảo sát trên 10 trường ĐH tự chủ cho thấy HP chiếm trên 80% tổng thu của các trường. Tiền lương cho đội ngũ chiếm từ 25 - 45% tổng chi tùy vào từng trường.
Trường công tự chủ được sử dụng các nguồn thu sự nghiệp, nguồn thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu hợp pháp khác cho việc chi thường xuyên. Nghĩa là trường sẽ chủ động trong việc quyết định các khoản chi này. Tuy nhiên, cần hình dung rằng quyền này của trường công không phải là tự chủ hoàn toàn, tự do hoàn toàn mà phải được thực hiện trên cơ sở các quy định về mua sắm tài sản nhà nước, đấu thầu... theo quy định chi tiêu công.
Tăng học phí phải đi liền với tăng chất lượng đào tạo2

Thí sinh làm thủ tục nhập học và đóng học phí tại một trường ĐH ở TP.HCM

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tăng học phí phải có lộ trình

Trong năm học này, nhiều trường ĐH công lập đã thông báo thực hiện tự chủ và thu HP mới ở mức cao. Theo GS, lộ trình tăng HP của các trường ĐH trong nước thời gian tới sẽ như thế nào?
Theo các quy định hiện hành của nhà nước, tăng HP phải có lộ trình. Số liệu khảo sát của chúng tôi, lộ trình tăng HP của các trường cũng khác nhau có trường từ 10 - 15%/năm, có trường cao hơn. Mức khởi điểm từ 13 - 14 triệu đồng/năm, hai năm sau tăng khoảng 15 - 17 triệu đồng/năm, tùy vào từng trường.
Trong bối cảnh toàn cầu bị tác động bởi dịch Covid-19, trên thế giới nhiều trường ĐH quyết định giảm HP hoặc hoãn kế hoạch tăng HP, việc các trường ĐH trong nước dự tính tăng HP có phù hợp không, thưa bà?
Mùa Covid-19, các trường đều học trực tuyến nên HP giảm do không sử dụng cơ sở vật chất nên chi hoạt động giảm. Một số trường có chính sách giảm HP cho SV do chi phí hoạt động giảm, đồng thời có chính sách hỗ trợ SV nghèo, SV vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là chính sách thu hút người học.
Tuy nhiên, khi chuyển qua tự chủ, các trường công bắt buộc phải tăng HP do ngân sách nhà nước cắt toàn bộ chi thường xuyên. Chiến lược tài chính của các trường công tự chủ một mặt phải tăng HP, mặt khác phải tính đến phát triển bền vững về thu hút SV, không nên tăng quá cao, quá đột ngột mà phải có lộ trình, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn phức tạp.

Minh bạch thông tin cho người học

Quan trọng nhất, theo GS, làm sao để việc tăng HP đi liền với tăng chất lượng đào tạo để SV được thụ hưởng đúng những giá trị mà mình đã đầu tư?
Đương nhiên, việc tăng HP phải đi đối với đảm bảo chất lượng, các trường phải có trách nhiệm giải trình các khoản tăng và đảm bảo chất lượng đầu ra. Tăng cho con người, đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ - vậy đội ngũ giảng viên được đảm bảo về tiêu chuẩn ra sao? Cán bộ phục vụ làm việc như thế nào? Mỗi năm các trường đều có đánh giá từ người học về chất lượng đội ngũ, về chương trình đào tạo, về ý kiến nơi sử dụng SV ra trường... Những thông tin này phải được minh bạch và công bố công khai.
Tăng chi phí hoạt động hay đầu tư cơ sở vật chất phải có minh chứng, tăng chất lượng dịch vụ cụ thể là gì? Cần giải thích và thông tin đầy đủ cho người học.
Tăng HP phải đi liền với tăng chất lượng đào tạo và các trường phải có lộ trình đi kèm với trách nhiệm công bố giải trình tăng chất lượng đào tạo như thế nào cho người học biết.
Nguồn thu của nhiều trường ĐH trên thế giới không phải chỉ từ HP như các trường ĐH trong nước hiện nay. Theo GS, các trường ĐH VN có thể làm gì để tăng các nguồn thu khác, giảm bớt gánh nặng HP cho người học?
Đúng là các trường ĐH trên thế giới, nhất là các trường xếp hạng cao có nhiều nguồn thu: HP, các nguồn tài trợ của nhà nước và doanh nghiệp, các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ. Các trường ĐH của VN hiện nay, nguồn thu chính là từ HP. Các khoản thu tài trợ rất ít, thu nghiên cứu và hoạt động dịch vụ, cả hoạt động đầu tư càng ít.
Các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, một số nước châu Âu có chính sách hỗ trợ SV thông qua cấp tín dụng. Người học thụ hưởng dịch vụ giáo dục ĐH phải trả HP tương xứng với chất lượng của dịch vụ cung cấp theo phương thức vay tín dụng và trả dần sau khi tốt nghiệp.
Học phí cần đầu tư vào đâu để tăng chất lượng đào tạo ?
Khi nói các trường thí điểm tự chủ ĐH tăng HP chủ yếu để tăng lương cho đội ngũ giảng viên chỉ đúng một phần. Thực chất là thu nhập bình quân của đội ngũ giảng viên của các trường ĐH công lập tự chủ có tăng sau khi tăng HP, nhưng chất lượng đội ngũ yêu cầu cũng phải tăng, cơ sở vật chất ĐH cũng được cải thiện. Trường công lập vẫn phải tuân thủ các quy định thu chi tài chính theo quy định chung của nhà nước, chứ không phải tăng chi vô hạn, sai các quy định tài chính của nhà nước.
Trường công muốn giữ được đội ngũ giảng viên tốt phải có chính sách tiền lương, thu nhập tốt. Vì vậy tăng HP để tăng thu nhập cho đội ngũ giảng viên so với mức thu nhập quá thấp trước đây là đúng trong bối cảnh cạnh tranh về thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.