Học phí các trường đại học (ĐH) tự chủ là một trong số các nội dung quan trọng của Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định này quy định cơ chế tự chủ tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Các khoản thu dịch vụ phải được công khai
Trong đó, tại mục 2 chương III, nghị định này quy định rõ tự chủ về tài chính của các cơ sở giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Ngoài những quy định chung của các đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn tài chính của các trường tự chủ được quy định rõ với 3 nội dung cụ thể.
Thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ cấp kinh phí cho các trường công lập để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên theo quy định nhà nước.
Thứ hai, các trường tự chủ thu học phí theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp và các quy định của Chính phủ về học phí.
Thứ ba, nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải được quy định cụ thể và công khai. Các hoạt động này gồm: dịch vụ giáo dục đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên; đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng để cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác; thu dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo; thu từ hoạt động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đào tạo và quy định của pháp luật.
Cũng theo nghị định này, Bộ GD-ĐT hướng dẫn cụ thể về tự chủ tài chính của ĐH vùng. ĐH vùng xây dựng quy chế tài chính báo cáo Bộ GD-ĐT phê duyệt để thực hiện. Căn cứ quy chế tài chính của ĐH vùng được Bộ phê duyệt, Giám đốc ĐH vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, thủ trưởng các ĐH thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
4 điều kiện để tự chủ ĐH
Điều 29 Nghị định 60 này cũng nêu ra các điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, trường ĐH được thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của pháp luật về giáo dục ĐH khi đáp ứng đủ 4 điều kiện.
Một là đã thành lập Hội đồng trường, Hội đồng ĐH và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH.
Hai là đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng trường hoặc Hội đồng ĐH. Ban hành quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường hoặc Hội đồng ĐH, đảng ủy và nhà trường. Bên cạnh đó là quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế dân chủ. Đồng thời là có quy chế quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên, tài chính tài sản và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do nhà nước quy định.
Ba là thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục ĐH.
Cuối cùng là xây dựng đề án tự chủ và thực hiện công khai đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15.8 tới, thay thế cho nghị định cùng tên được ban hành năm 2016.
Chia sẻ với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục là một nội dung rất mới của Nghị định 60. Sau luật Giáo dục ĐH sửa đổi, Nghị định 99 thì Nghị định 60 này là cơ sở pháp lý quan trọng để các trường thực hiện cơ chế tự chủ.
"Nghị định 60 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc của các trường ĐH đang thực hiện cơ chế tự chủ đang gặp phải. Đặc biệt là vấn đề quyền tự chủ, sử dụng tài sản và tài chính...", ông Hoàn ý kiến.
Cũng theo ông Hoàn, việc quy định thu học phí tự chủ theo quy định pháp luật và các quy định của Chính phủ về học phí là phù hợp.
Bình luận (0)