Vừa chép phạt vừa khóc
Theo tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, bà có người bạn là phụ huynh của một học sinh bị chép phạt học lớp 6. Con gái của người bạn bị cô phạt phải chép phạt 100 lần câu: "Em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa”. Cô bé vừa chép phạt vừa khóc vì không hiểu sao mình bị phạt.
Lý do là cô giáo ra đề bài “Hãy kể về thần tượng của em”. Học sinh này không làm bài vì không có thần tượng nào. Cô bé nhất quyết không làm bài dù biết cách làm. Tiến sĩ Tuyết cho biết chuyện này xảy ra vào ngày 9.11 và bạn bà cũng ở Hà Nội. Bà khá bất bình khi biết chuyện này.
Tiến sĩ Tuyết cho rằng đề bài chưa ổn về kiến thức, kỹ năng khi câu lệnh yêu cầu kể về một đối tượng mà với học trò, có thể không tồn tại, hoặc có thể các em cũng không hiểu khái niệm “thần tượng” là gì. Đề bài và hình phạt của cô với trò sau đó cũng cho thấy tâm lý nô lệ đáng sợ trong giáo dục con người. Khi yêu cầu con người buộc phải có đối tượng để sùng bái, cô giáo đã làm tổn thương cái tôi cá nhân của học trò!
“Câu chép phạt 100 lần 'Em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa' cộng thêm lời kể của mẹ bé: 'Con vừa chép vừa khóc' vì 'con không hiểu sao con bị phạt' là minh chứng đau lòng cho sự thất bại của giáo dục. Phải chăng mục đích của giáo dục là xóa bỏ cái tôi tự trọng, trung thực và biến đối tượng giáo dục thành những robot không được phép phản biện?”, tiến sĩ Tuyết đặt vấn đề.
Không phải “tưởng tượng để hoàn thiện”!
Chia sẻ câu chuyện này, tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thái Bình Dương, cũng khẳng định:” Tôi cũng thấy rất phản giáo dục khi câu chép phạt lại là câu xin lỗi cô. Ngày tôi còn nhỏ đi học, câu chép phạt là công thức hay định lý toán học, quy tắc ngữ pháp mà học sinh đã quên, nên thầy cô bắt chép cho nhớ. Nếu là một lỗi lầm, thì sẽ là: "em không đánh bạn" hay "em không đi học trễ" chẳng hạn. Dù là gì, nhưng dụng ý bắt chép phạt là để học cho nhớ, không phải để 'tra tấn' hay khuất phục bằng quyền lực. Hồi đó tôi không thấy thầy cô bắt chép 100 lần câu xin lỗi bao giờ! Mà lại là xin lỗi vì đã nói thật!”.
Tương tự, cô Bình Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: "Đúng là cần báo động với ngành giáo dục về những hiện tượng áp đặt vô lối như thế này, nó cho thấy chương trình các môn học nhiều chỗ bất cập, giáo viên vừa thụ động vừa thiếu vắng cái mẫn cảm sư phạm...".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thái độ của em học sinh bị chép phạt là “thách thức giáo viên” thay vì em phải “biết cách tưởng tượng để hoàn thiện bài văn”.
Phản biện lại quan niệm này, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết khẳng định: ”Chúng ta cần dạy học trò biết hoàn thiện bản thân bằng trí tuệ và nhân cách tự trọng, trung thực chứ không phải “tưởng tượng để hoàn thiện”!
Bình luận (0)