Học sinh bị chép phạt vì từ chối viết bài văn tả thần tượng: Nhiều ý kiến trái chiều

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
15/11/2019 15:01 GMT+7

Câu chuyện học sinh bị chép phạt vì từ chối viết bài văn tả thần tượng đăng trên Báo Thanh Niên vừa qua đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

 

Có thể dùng từ 'hâm mộ', 'ngưỡng mộ'

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Vân (Viện nghiên cứu nhiễm trùng Helmholtz, Đức), cho rằng trong câu chuyện học sinh bị chép phạt vì từ chối viết bài văn tả thần tượng, học sinh đã rất trung thực.
"Tôi nhớ hồi phổ thông, bài làm văn của tôi có lúc được 9 điểm (hồi đó 8 điểm đã là khó) vì thầy dạy văn luôn khuyến khích sự sáng tạo và chân thực. Tôi nhớ có đề văn miêu tả một hình mẫu thần tượng. Cô giáo liệt kê sẵn tên những anh hùng nổi tiếng để chúng tôi dựa vào đó mà làm bài. Tuy nhiên khi làm đề bài này, tôi không tả theo gợi ý của cô mà kể về bố mình. Cũng may thầy cô khuyến khích học sinh thành thật nên bài văn của tôi không bị vấn đề gì", tiến sĩ Vân cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ Q.3, TP.HCM) cũng cho rằng giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm khi ra đề! Thần tượng thực chất là hâm mộ, nhưng ở cấp độ cao hơn. Giáo viên lẽ ra có thể dùng từ "hâm mộ", "ngưỡng mộ" thì mọi việc đã khác.

Học sinh có chủ ý chống đối?

Tuy nhiên, ở góc độ khác, thầy giáo Nguyễn Hoài Dương (Phú Thọ) chia sẻ: "Tôi là giáo viên THPT, trực tiếp đứng lớp 11 năm. Có thể câu chuyện học sinh bị chép phạt vì từ chối viết bài văn tả thần tượng khiến nhiều người không đồng tình về cách hành xử của giáo viên. Tuy nhiên theo tôi nghĩ trước hết học sinh khi đọc đề nếu không hiểu có thể hỏi lại cô, học sinh không hỏi rồi nộp bài với nội dung như vậy là có chủ ý chống đối chứ không phải vì lý do không có thần tượng. Tôi dạy môn địa lý, đề bài kiểm tra của tôi có những câu hỏi liên quan đến vũ trụ, hệ mặt trời hay yêu cầu học sinh trình bày vấn đề liên quan đến một vùng lãnh thổ xa xôi, nếu học sinh cũng nói em chưa đến đó sao mà trình bày được thì chấp nhận được không. Hoặc như môn văn học, nếu đề bài yêu cầu phân tích tâm trạng của nhà thơ trước cảnh sắc thiên nhiên, học sinh nói em không có trong khung cảnh như vậy hoặc em có phải là nhà thơ đâu mà biết nhà thơ nghĩ gì thì đúng hay sai?".
Chị Huỳnh Ngọc Nữ (Bình Dương) tin rằng khi ra đề, giáo viên đã giải thích cho học sinh "thần tượng" là gì rồi. Nhiệm vụ học sinh là phải liên tưởng đến một người nào đó mà em yêu thích, hâm mộ hoặc muốn trở thành - không nhất thiết phải là người nổi tiếng.

Ai cũng bị tổn thương!

Anh Nguyễn Hoàng (Công ty xây dựng Phương Nam) cho rằng trong câu chuyện trên cô giáo quá cứng nhắc. Học sinh cũng thách thức cô giáo. Học sinh có thắc mắc có thể hỏi cô giáo. Nhưng em này đã chọn kiên quyết không làm bài dù biết làm. Rõ ràng là thách thức. Cô giáo thì cũng cứng nhắc, bắt chép phạt hơi vô lý. Có thể hướng dẫn tả cái khác. Thậm chí tả một thần tượng trong tưởng tượng với đề bài: "hãy tưởng tượng em có một thần tượng, hãy tả thần tượng đó"...
"Nhưng tất cả chúng ta đều chọn phương án tiêu cực nhất để đẩy câu chuyện vào ngõ cụt", anh Hoàng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết thêm: "Giáo viên có thể gọi học sinh ra hỏi riêng, gợi ý xem em thích lĩnh vực nào (khoa học, hội họa..), trong lĩnh vực đó có ai nổi tiếng mà em ngưỡng mộ không (vì có thể học sinh chỉ nghĩ thần tượng phải là ca sĩ, diễn viên) rồi cho em học sinh làm lại bài. Vậy là đủ. Còn chép phạt như vậy thì dạy trẻ được điều gì?"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.